Monday, March 9, 2015

Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh – CHƯƠNG 4, 5, 6, 7

CHƯƠNG 4: THAM GIA QUÂN ĐỘI
05-03-2015
H1Vào cuối năm 1946, thực dân Pháp bắt đầu có nhiều hành động cố tình gây sự ở Hà Nội và đã có tin chúng sẽ điều tàu chiến từ Pháp sang, dĩ nhiên tàu của chúng phải đi ngược sông Hồng qua cửa Ba Lạt. Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Ngọ (Chủ tịch tỉnh) lo việc mua súng ống, đồng thời tổ chức ra một Tiểu đoàn chủ lực của tỉnh, lại tổ chức phát triển dân quân tự vệ, tổ chức nhân dân phá đường đào hố ngăn chặn xe của giặc… đặc biệt lại còn “sáng kiến” huy động lực lượng chặt tre cắm xuống cửa sông Ba Lạt định để chặn ca-nô của Pháp (thật ấu trĩ?!). Sau đó tôi triệu tập một cuộc họp lớn gồm các cán bộ toàn tỉnh để phổ biến chủ trương của Đảng và bàn kế hoạch chuẩn bị kháng chiến.
Tháng 3 năm 1947, khi Pháp bắt đầu đánh Hải Phòng, tôi lại được Trung ương điều lên Thái Nguyên làm chính ủy khu Một gồm ba tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng. Anh Chu Văn Tấn làm Khu trưởng. Thu đông năm 1947, địch mở chiến dịch đánh lên Việt Bắc chiếm đóng được Bắc Kạn và Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp lệnh cho tôi lên Cao Bằng để nắm tình hình, chỉnh đốn và động viên bộ đội. Tôi cùng đồng chí Nguyễn An (lúc đó mới từ trường Võ bị ra làm thư ký cho tôi) cùng một số chiến sĩ đi bộ theo những đường tắt tránh đồn bốt của địch, gần một tuần lễ mới tới Cao Bằng, xem xét tình hình và gửi báo cáo về cho đồng chí Tổng tư lệnh. Trên đường đi lúc thì ngủ nhờ nhà dân, lúc thì ngủ hang đá, gần nửa tháng trời, ai nấy rận đầy người, áo len trắng xoá đầy trứng rận.

Sang năm 1948, Trung ương điều đồng chí Lê Hiến Mai lên thay, điều tôi về làm Trưởng phòng cán bộ nằm trong Cục Tổng thanh tra dưới quyền đồng chí Lê Thiết Hùng (Tổng thanh tra), đồng chí Trần Tử Bình (phó Tổng thanh tra). Lúc đó phòng cán bộ tuy có làm một số công tác cán bộ, nhưng thực chất là làm công tác xây dựng Đảng là chính.
Cuối năm 1948, đồng chí Lê Văn Lương trưởng Ban Tổ chức Trung ương thấy hoàn cảnh gia đình chúng tôi, vợ chồng công tác hai nơi cách biệt lâu quá, mới có ý điều nhà tôi từ Thái Bình lên Việt Bắc ở cơ quan Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho được gần nhau. (Lúc đó cơ quan Tổng thanh tra cũng đóng ở Việt Bắc. Nhưng cũng chính vì vậy, nhà tôi phải gửi con gái đầu là Nguyên Bình mới hơn một tuổi ở lại Thái Bình cho chị Dung thóc và bà Phái trông nom nuôi dưỡng. Mãi đến năm 1953, nhờ chị Đinh Thị Vân và huyện đội Xuân Trường tìm giúp mới đón được nó lên Việt Bắc với chúng tôi.). Tuy được tổ chức và đồng chí Lê Văn Lương quan tâm ưu ái như vậy, nhưng rồi thực tế, do yêu cầu của công tác cách mạng lúc bấy giờ, chúng tôi lại phải chia tay. Sống gần nhau chừng độ vài tháng thì đến đầu năm 1949, nhà tôi lại được điều trở lại khu Ba (Vùng Hải Phòng – Nam Định – Thái Bình) để làm Bí thư phụ nữ. Một lần, nhà tôi đi cùng với một đoàn cán bộ từ khu Ba (lúc đó là vùng địch chiếm) lên Việt Bắc họp, khi đi qua đường số 6 thì gặp địch, nó đuổi riết, mọi người phải chạy bán sống bán chết mới thoát được. Không may là nhà tôi vốn đã bị tổn thương thần kinh do Pháp tra tấn đánh vào đầu khi bị giam trong Sở Mật thám – Hà Nội, nay gặp một trận địch đuổi, thêm căng thẳng thần kinh nữa, rồi sau lên gặp Trung ương gặp vài chuyện rắc rối oan khuất không gỡ ra được nên đã phát bệnh tâm thần, phải đưa sang Trung Quốc chữa ở bệnh viện Nam Ninh mấy tháng mới tạm ổn định. Năm 1950, nhà tôi đẻ con gái thứ hai, lại phát bệnh tâm thần lên, rất nóng nảy, có lần đã tát một đồng chí Phó phòng, lại thộp ngực tôi… Nhưng đặc biệt vẫn chăm sóc con mới đẻ rất chu đáo.
Cũng vào năm 1950, để tăng cường sức mạnh chiến đấu và chất lượng cán bộ quân đội, Trung ương đã điều thêm hai đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh vào quân đội để thành lập Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp do hai đồng chí làm chủ nhiệm. Bên dưới Tổng cục Chính trị có các Cục Tổ chức, Tuyên huấn, Địch vận, Dân vận, Bảo vệ… Tôi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Tổ chức. (Bên dưới Tổng cục Cung cấp cũng có nhiều đơn vị cấp cục). Lúc đó công tác của Cục Tổ chức có các nội dung: công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng, công tác thanh niên, công tác chính sách.
Thời gian đó ta bắt đầu mở nhiều chiến dịch, tôi và đồng chí Đồng Sĩ Nguyên (Cục phó) thay nhau đưa một nhóm cán bộ đi tham gia các chiến dịch đó. Tôi đi chiến dịch Hà Nam Ninh, ở cùng với Trung đoàn 102, đồng chí Vũ Yên làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Vũ Lăng làm Trung đoàn phó, đồng chí Hoàng Thế Dũng làm Chính ủy. Đơn vị được giao nhiệm vụ đánh đồn Non Nước. Quân ta tập kết và xuất phát từ xã Trường Yên (Hoa Lư – Ninh Bình). Do có nhiều yếu tố trở ngại nên mãi 4 giờ sáng ta mới bố trí xong bộ binh và các đơn vị trợ chiến. Hai đồng chí Vũ Yên, Vũ Lăng chủ trương dù muộn vẫn đánh vì vẫn còn giữ được yếu tố bất ngờ. Nhưng đồng chí Hoàng Thế Dũng lại giao động quyết tâm, lấy quyền Chính ủy quyết định không đánh nữa, cho rút quân về các làng xung quanh. Hoá ra rút quân khi trời sáng bị địch phát hiện lại càng nguy hiểm hơn. Một mặt chúng bắn từ cứ điểm Non Nước, một mặt chúng gọi máy bay và tàu chiến dưới sông bắn vào đội hình rút quân của ta. Trên đường cùng đơn vị rút vào làng, tôi cũng bị máy bay địch đuổi bắn, phải chạy chối chết, đã thế đôi giày lại há mõm, rất vướng víu, vừa lội ruộng bì bõm lại vừa trông trừng máy bay bổ nhào. Có lần đạn từ ca-nô bắn lên sạt qua mát cả vành tai, nhưng may mắn là cuối cùng cũng rút được an toàn. Đêm sau mới lại đánh nhưng không còn yêu tố bí mật bất ngờ nữa, vì vậy quân ta bị thương vong nhiều, tuy vậy vẫn đánh chiếm được núi Non Nước. Sau chiến dịch, tôi về báo cáo tình hình với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng chí đã nghiêm khắc xử lý Chính ủy Hoàng Thế Dũng vì đã giao động tinh thần gây tổn thất lớn.
Cuối năm 1951, tôi đi chiến dịch Hoà Bình, ở cùng chỉ huy sở 308. Trận đó Trung đoàn 36 do đồng chí Hồng Sơn làm Trung đoàn trưởng đã chiếm được vị trí Tu Vũ, còn Trung đoàn 102 thì thất bại trong trận đánh đồn Làng Pheo phía nam thị xã Hoà Bình. Trên đường từ Hoà Bình về bản Quặng (ở Định Hoá – Thái Nguyên) chúng tôi đã được cưỡi xe jíp, trông thấy một con hổ đang nằm giữa đường, nhưng tiếc là súng lại để dưới ba lô, nhưng lấy ra được thì hổ nhảy vọt đi mất. Nếu không thì đã được bữa cải thiện tươi.
Tôi cũng đi chiến dịch Tây Bắc đánh Nà Sản, mục tiêu của ta là tiêu diệt cứ điểm Nà Sản nhưng không đạt. Rất khó khăn quân ta mới diệt được cứ điểm Mộc Châu (lúc đó tôi ở cùng sở chỉ huy Đại đoàn 316 do đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy). Trên đường rời Nà Sản trở về cơ quan, tôi còn phải rẽ vào các trại thương binh để động viên anh em (tôi phụ trách công tác chính sách).
Sau đó tôi còn đi chiến dịch Sầm Nưa với cương vị Chủ nhiệm chính trị tiền phương. Khi quân ta qua ngầm Sốp Hào (ở thượng nguồn sông Mã biên giới Việt – Lào), địch đã biết trước nên rút chạy hết.
Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Liêm phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đi tiền phương, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đại diện Cục Tổ chức ở sở chỉ huy tiền phương. Còn tôi được đồng chí Nguyễn Chí Thanh đem theo vào Thanh Hoá – Nghệ An động viên huy động dân công, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến dịch. Tôi chuyên đi theo dõi và kiểm tra các đoàn tiếp tế từ Thanh Hoá lên Mộc Châu. Đêm có lúc được ngủ lán ở trong rừng, có lúc tôi với chú Thỉnh (cần vụ) trải lá xuống đất thổi đệm hơi lên ngủ với nhau. Trong khi chúng tôi đi chiến dịch thì ở “nhà”, chị Lan vợ đồng chí Đồng Sĩ Nguyên đẻ sinh đôi hai cháu Việt và Bắc, vợ tôi thì làm bà đỡ bất đắc dĩ.
Thời gian làm việc ở Cục Tổ chức, tôi thấy mình đã chỉ đạo đơn vị mình làm được hai việc đáng kể: Một là trong công tác xây dựng Đảng, đã giữ được tiêu chuẩn kết nạp Đảng viên chặt chẽ, đồng thời đề ra chủ trương kết nạp tại chỗ các chiến sĩ hăng hái dũng cảm (gọi là kết nạp hỏa tuyến) nên Đảng bộ quân đội lúc đó thực sự có chất lượng, thực sự vững mạnh. (Có lần tôi được Bác Hồ gọi sang báo cáo tình hình Đảng trong quân đội cho Bác nghe. Làm việc xong Bác cho ăn cơm cùng, hôm ấy còn có cả một chị cán bộ cùng đến làm việc (trước tôi). Bữa cơm chỉ có ba Bác cháu, cơm Bác đãi chẳng phải tiệc tùng gì nhưng dẫu sao cũng còn hơn cơm ở cơ quan hàng ngày của chúng tôi toàn măng rừng với rau tàu bay. Vài miếng thịt, đĩa rau xào và bát canh cũng khiến chúng tôi ăn thấy rất ngon và no nê, vậy mà trong mâm vẫn còn mỗi thứ một ít. Tính Bác vốn ghét sự phí phạm, Bác thường nêu nguyên tắc “Đã ăn thì ăn cho hết, đã để thì để cho còn”, bữa này còn mỗi thứ một ít không đáng để lại nên Bác trút hết vào bát cho tôi và chị cán bộ. Đã no rồi không ăn thì sợ Bác nên phải cố gắng ăn cho hết, thế là bị một bữa căng hết cả bụng). Việc đáng kể thứ hai là trong công tác cán bộ: do bản thân tôi cũng như các anh em cán bộ trong Cục Tổ chức luôn đi sát chiến đấu, năm chắc tình hình năng lực và phẩm chất các cán bộ chủ chốt ở đơn vị nên việc đề đạt kiến nghị tuyển chọn cán bộ đã làm được khá chuẩn xác, ít sai sót. Và cũng vì nắm chắc cán bộ nên đã bảo vệ được nhiều cán bộ tốt, không để họ bị “tai nạn” vì sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. (Thời kỳ cải cách ruộng đất, có nhiều “đoàn ủy cải cách” gửi nhiều thư, công văn lên Bộ tổng tư lệnh và Tổng cục Chính trị yêu cầu đưa cán bộ này cán bộ kia về địa phương để đấu tố, nhưng vì Cục Tổ chức và Tổng cục Chính trị sâu sát cán bộ và nhờ uy tín của đồng chí Nguyễn Chí Thanh nên đã ngăn chặn được việc đấu tố tai hại đó, bảo toàn được đội ngũ cán bộ quân đội. Nếu không, quân đội sẽ rối loạn khó mà đánh giặc được. Ví dụ như đồng chí Phạm Hồng Sơn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) là con một địa chủ ở Bắc Giang, ông bố đã có đến một trăm mẫu ruộng. Đồng chí đó cũng bị “đoàn ủy cải cách” gọi về đấu. Qua theo dõi trong các trận chiến đấu, tôi đã biết và báo cáo đồng chí Nguyễn Chí Thanh là: đồng chí Phạm Hồng Sơn chiến đấu rất dũng cảm kiên cường, có trình độ, đánh giặc giỏi, bản thân đồng chí là người tốt và đi bộ đội lúc còn là sinh viên nên không dính dáng gì đến việc bóc lột của ông bố. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đồng ý với Cục Tổ chức, kiên quyết bảo vệ đồng chí Phạm Hồng Sơn không đưa giao về cho “đoàn ủy cải cách”. Sau này đồng chí Phạm Hồng Sơn đã trở thành Trung tướng trong quân đội, tiếp tục lập nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ).
Từ khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, không những đã thúc đẩy được công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội tiến lên một bước mới, mà còn làm đổi mới quan điểm về công tác cán bộ nữa. Lúc đó, cán bộ các cấp trong quân đội đang rất thiếu, rất nhiều đơn vị đã viết thư về Tổng cục xin cán bộ. Cục Tổ chức chúng tôi đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị biện pháp giải quyết vấn đề đó (sau đề xuất này đã trở thành chỉ thị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh) bằng cách trao quyền cho các đơn vị tự chọn “trong bó đũa lấy cột cờ”, ai có năng lực hơn thì đề bạt lên và có thể đề bạt vượt cấp. Ví dụ từ Trung đội trưởng có thể đề bạt lên thẳng Đại đội trưởng. Cách làm nói trên đã phần nào giải tỏa được vấn đề thiếu cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở.
Với cương vị Cục trưởng Cục Tổ chức, phụ trách công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ, tôi đã có suy nghĩ, lo lắng cho tình hình cán bộ lúc đó, muốn sao giữ được phẩm chất cách mạng, giữ được sự kiên định về lập trường giai cấp và giữ được mối quan hệ hài hòa với trình độ năng lực về chuyên môn. Trong một cuộc họp cán bộ toàn bộ ba cơ quan của Bộ Quốc phòng (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần) tôi đã mạnh dạn nói thẳng suy nghĩ của mình với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Chúng tôi rất kính trọng những đóng góp của anh, nhưng đề nghị xem xét lại, có phải anh đã có phần thiên trọng trí thức, coi nhẹ công nông, coi thường cán bộ cũ?”. Tất nhiên sau này có cả tác động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trần Đăng Ninh nên sau đó quân đội đã chú trọng đề bạt cán bộ công nông, cán bộ cách mạng cũ (như đồng chí Lê Đình Thiệp, Phạm Ngọc Mậu, Phạm Kiệt v.v… (Cán bộ cũ là cán bộ đã tham gia cách mạng từ thời còn bí mật).
Khi làm Cục trưởng Cục Tổ chức, tôi thường tự tay thảo các công văn chỉ thị của Tổng cục Chính trị về các mặt của công tác tổ chức để đồng chí Nguyễn Chí Thanh xem và ký. Đồng chí rất hài lòng, đã khen tôi và nói với các đồng chí trong Tổng cục nên học tập cách viết chặt chẽ, gẫy gọn đó của tôi.
Có một kỷ niệm quý đối với gia đình tôi khi ở Việt Bắc. Đó là về con gái thứ hai của chúng tôi: Minh Phương khi đó vẫn gửi ở trại trẻ con em cán bộ (để cha mẹ được rảnh tay đi công tác dài ngày). Phương rất ngoan và nhanh nhẹn, mỗi lần Bác Hồ đến thăm trại, nó đều nhanh tay bê ghế mời Bác ngồi. Bác Hồ rất quý, hay bế nó. Có lần Bác Hồ bế đã được nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp cho tấm ảnh đang hôn má Bác. Tấm ảnh đã trở thành một biểu tượng về lòng thương yêu của Bác Hồ đối với nhi đồng, đã được trưng bày nhiều nơi, trở nên quen thuộc đối với nhiều người trong và ngoài nước.
Còn nhớ, thời gian từ năm 1950, Trung Quốc đã cử đoàn cố vấn sang giúp bộ máy của “Bộ Tổng” quân đội ta. Cục Tổ chức tôi cũng có một cố vấn tên là Hứa Pháp Thiện. Sau này khi làm Đại sứ ở Trung Quốc, tôi có nhờ Bộ Ngoại giao tìm và gặp lại đồng chí đó ở Bắc Kinh.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, tôi vẫn như các cán bộ ở “Bộ Tổng” đưa cả gia đình về Hà Nội. Lúc đó bà Mây từ Sài Gòn tìm về Hà Nội thăm quê, bà cũng tìm gặp tôi, bà cho 2 chỉ vàng. Theo nguyên tắc, tôi phải báo cáo việc đó cho đồng chí Trần Lương (tức Trần Nam Trung) phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí đồng ý cho nhận, tôi mới mang bán vàng đi lấy tiền tiêu pha một số việc cho gia đình. Lúc đó chúng tôi còn rất thiếu thốn: lương phát bằng gạo, cao nhất mỗi người khoảng 30kg/tháng, mỗi đứa con cũng được “lương” 10kg/tháng.
Năm 1955, tôi được đi cùng với đoàn đồng chí Võ Nguyên Giáp tham quan diễn tập ở Liêu Đông – Đại Liên (Trung Quốc). Có đi cả Hắc Long giang (giáp Liên Xô), tuyết lội đến đầu gối, bạn Trung Quốc phải phát áo lông mũ lông cho mọi người, nhưng cái tai vẫn lạnh như muốn rụng đi. Tôi được phía bạn cấp cho khoảng 600 nhân dân tệ, mua được ít vải, có cả vải thước gấm – vóc quý và một ít củ sâm. Tôi mời dì Lợi (bà dì đã có công cưu mang tôi khi tôi đi học trường tiểu học ở quê) ra chơi để dì được bồi dưỡng nghỉ ngơi ít ngày. Dì không vào được trong thành với nhà tôi, phải ở nhà anh Thọ (lúc đó cũng đã từ quê ra Hà Nội, thuê nhà ở phố Ngọc Hà). Lúc đó dì đã bắt đầu ho, tôi biếu dì một củ dã sâm để dì dùng, nhưng mấy năm sau dì vẫn không khỏi, lại phát thành ho lao rồi mất. Sau đó tôi còn đưa dì Đởm (mẹ kế tôi) ra Hà Nội và may cho bà chiếc áo bông bằng gấm.
Năm 1956, theo lời mời của Liên Xô, tôi được cùng đồng chí Phan Trọng Tuệ (là hai người đầu tiên) được Đảng cho đi nghỉ mát ở Sô-tri (bên bờ Hắc Hải). Lúc đó dân Nga rất quý Việt Nam, gặp đâu họ cũng hỏi thăm, có người không có gì làm kỷ niệm, liền đưa tôi cả chiếc tẩu thuốc đang hút. Nghỉ ở Sô-tri, ngoài đoàn khách Việt Nam còn có các đoàn khách quốc tế khác. Lúc đó tôi đang nghiện thuốc lá nặng. (Năm 1930, bố tôi dạy học ở Kiến An, huyện Tiên Lãng, đất thuốc lào, Tết đem về nhiều bánh thuốc do học trò biếu. Thế là tôi tha hồ hút thành nghiện từ năm 15 tuổi. Khi ra Hà Nội bỏ thuốc lào, nghiện thuốc lá. Khi bị Pháp bắt, ở tù tôi cũng tìm được cách dấu thuốc để hút, đi chiến dịch cũng mang kè kè máy túi thuốc lá sừng bò. Khi về Thủ Đô, buổi sáng không ăn lót dạ, chỉ uống vài chén nước chè, hút vài điếu thuốc rồi đi làm, đến nỗi phát bệnh loét hành tá tràng. Tôi cũng đã nhiều lần định bỏ thuốc nhưng không bỏ được). Tại nhà khách để rất nhiều thuốc và được hút thoải mái. Thấy tôi lúc nào cũng kè kè điếu thuốc cặp ở tay, bà bác sĩ trông nom sức khoẻ của đoàn khách tỏ ra không hài lòng, luôn tước đi điếu thuốc của tôi, xua tay và nói “Nhe na-đơ” (tiếng Nga “He Hago” nghĩa là “không nên”) – Có chuyện buồn cười: Lúc đó tôi gầy gò nhỏ bé và đã 40 tuổi nhưng bà bác sĩ cứ tưởng tôi mới 24 tuổi, có lẽ là bà cho tôi là quá trẻ và lại gầy yếu nữa, nên không muốn cho tôi hút. Tôi nể quá nên quyết tâm chừa thuốc. (Trước đây tôi cứ tự nói “hút hết bao này thì chừa”, nhưng rồi thèm quá lại đi xin anh em một điếu. Một điếu rồi hai, ba điếu… Xin mãi ngượng quá, đành phải mua, thế là lại không chừa được). Thật trớ trêu là tôi vừa tuyên bố kiên quyết đoạn tuyệt với thuốc lá thì hai hôm sau có bà ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Anh cũng đến nghỉ ở Sô-tri, mang theo rất nhiều hộp thuốc ba số 5 đến biếu nhà nghỉ và mọi người. Đối với dân nghiện thì “555” là tuyệt vời. Nhưng tôi vẫn đủ nghị lực để kiên quyết không hút, bỏ thẳng vào va ly đem về làm quà cho anh em. Khi về qua Bắc Kinh, cũng rất sẵn thuốc Trung Hoa bài và Đại tiền môn, tôi lại mua thêm về làm quà. Từ đó tôi chừa hẳn được thuốc lá. Khi còn hút thuốc, cứ đến mùa đông là rất hay viêm họng, ho ra bao nhiêu đờm rãi, từ khi bỏ được thuốc lá, tôi không bị như thế nữa.
Sau đó, có lần tôi còn được Đảng cho đi tham quan ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Tôi thấy họ cứ cho đi nghỉ ở bờ biển phía Nam ít lâu rồi lại cho đi nghỉ ở vùng núi phía Bắc. Thời gian đó tôi bị sưng bọng răng, nói với cán bộ phụ trách, họ cho đi bệnh viện, tưởng là người ta sẽ chích và châm thuốc cho đỡ đau, ai dè họ tiêm thuốc tê rồi nhổ ngoéo luôn cái răng đau, thế là tôi mất chiếc răng hàm! Ở Đức, bạn cử người biết tiếng Pháp đi theo giúp đoàn. Thế nhưng trong ba người chúng tôi chỉ có tôi đã biết tiếng Pháp nhưng là vì bỏ lâu rồi nên ban đầu chỉ nói được bập bẹ, sau cố gắng nhớ lại dần dần mới giao tiếp được kha khá. Lúc kết thúc chuyến nghỉ (1 tháng) đã có thể lên phát biểu cảm ơn, chúc mừng v.v… Thời gian đó tôi học được ở người Đức hai điều: Tiết kiệm và khoa học. Họ lấy bữa ăn trưa làm giờ nghỉ, không đặt ra việc ngủ trưa. Còn khi mời cơm khách, dù khách quý cũng chỉ chuẩn bị đồ ăn vừa đủ, không để thừa lãng phí. Khi đưa khách đi thăm quan nơi nào, họ chỉ cần để một bà già hay ông già đeo chiếc máy ghi âm có những nội dung cần thuyết minh nhiều thứ tiếng, đến nơi nào cần, tuỳ theo khách biết tiếng nước nào thì bấm băng nói tiếng nước đó. Cách đó tốt nhất cho việc tham quan các viện bảo tàng. Như vậy tiết kiệm được không phải thuê người chuyên giới thiệu, cũng không cần phải dùng một người trẻ khoẻ, để người trẻ làm việc khác phù hợp hơn.
Đầu năm 1958, tôi được điều đi làm Chính ủy Quân khu Bốn. Trong Bộ chỉ huy quân khu lúc đó đã có đồng chí Nguyễn Đôn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chủ nhiệm chính trị (sau đồng chí Đoàn Khuê thay), đồng chí Đoàn La làm Chủ nhiệm hậu cần, đồng chí Triệu Huy Hùng làm Tham mưu trưởng.
Trong Quân khu có 2 Sư đoàn bộ binh là 324, 325. Sư đoàn 324 là bộ đội từ Khu 5 ra, do đồng chí Bùi Sinh làm Sư trưởng, đồng chí Nguyễn Duy Đề làm Chính ủy. Sư đoàn 325 là bộ đội từ Trị Thiên ra, có đồng chí Hoàng Văn Thái (Thái râu) làm Chính ủy. Quân khu có 2 Lữ đoàn độc lập, một do đồng chí Giáp Văn Cương làm Lữ trưởng, một Lữ do đồng chí Hà Vi Tùng làm Lữ trưởng. Còn có một Trung đoàn pháo binh và một Trung đoàn toàn anh em dân tộc ít người từ Tây Nguyên ra, do đồng chí Y-bờ-lốc làm Trung đoàn trưởng. Quân khu có mở một trường huấn luyện bồi dưỡng cho cán bộ trong Trung đoàn, vừa giúp bồi dưỡng cán bộ cho Bạn Cam-pu-chia. (nhưng rất tiếc số cán bộ đó về Cam-pu-chia đã bị bọn Pôn-pốt giết hết). Quân khu cũng có một nông trường cà phê Phú Quý ở phía Nam quân khu.
Nhiệm vụ chính của Quân khu là lãnh đạo về mặt quân sự, chính trị, xây dựng lực lượng, bố phòng và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu như: Xây dựng đảo Cồn Cỏ làm cứ điểm tiền tiêu và xây dựng lực lượng cho Vĩnh Linh đối mặt với quân địch, nhất là phải chú trọng xây dựng vùng dân tộc thiểu số ở miền Tây Vĩnh Linh; cũng phải lo xây dựng vùng Cha Lo (Tây Quảng Bình) biên giới với Lào có nhiều dân tộc thiểu số, là địa bàn xung yếu. Ngoài ra hồi đó còn có việc giao dịch với phái đoàn Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ.
Năm 1959, sau khi có Luật sĩ quan nhà nước đã tổ chức phong quân hàm hàng loạt cho cán bộ quân đội (trừ mấy đồng chí đã được phong từ trong kháng chiến chống Pháp và đặc cách như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Lê Thiết Hùng, thiếu tướng Nguyễn Sơn và trung tướng Nguyễn Bình). Bắt đầu phong quân hàm từ cấp tướng: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong đại tướng; năm đồng chí Hoàng Văn Thái, Song Hào, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh, Chu Văn Tấn (để có đủ đại diện ba miền Bắc-Trung-Nam và dân tộc ít người) được phong trung tướng; Khoảng 24, 25 đồng chí được phong thiếu tướng: Văn Tiến Dũng, Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Chu Huy Mân, Lê Quang Đạo, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Hoàng Sâm, Trần Sâm, Lê Quảng Ba, Vũ Lập, Lê Chưởng v.v… trong đó có tôi (Đoàn Khuê lúc đó chưa được phong đại tá, Lê Đức Anh mấy đợt sau mới được phong đại tá).
Cùng thời gian đó, Đại uý Coong-le ở Lào đã quay súng đánh lại quân Pa-thét Lào, Tiểu đoàn 2 của Bạn Lào phải chạy từ Khăng Khay về biên giới với Việt Nam và sang đất Quân khu Bốn, tạm đóng ở Mường Xén. Tiểu đoàn này do đồng chí Thao Tu làm chỉ huy. Quân khu Bốn được giao nhiệm vụ đưa lương thực, quân nhu lên cho quân ông Thao Tu người H’mông, tôi lên thăm tiểu đoàn còn mang cả thuốc phiện lên uý lạo ông Thao Tu vì ông mắc nghiện từ lâu. Sau này còn bố trí cho các đồng chí lãnh đạo Lào sang họp với Tiểu đoàn 2 ở Cửa Lò.
Hồi đó có chủ trương cho cán bộ được học lái xe ôtô. Tôi với đồng chí Đoàn Khuê cùng học lái xe một đợt. Hôm đi sát hạch ở Hà Nội, đến giữa dốc Đội Cấn (dốc Tập lái), giám khảo lừa tôi, bảo dừng lại để giao tay lái cho Đoàn Khuê, nhưng tôi không mắc lừa, cứ cho xe chạy tiếp lên hết dốc mới đỗ lại. Sau đó giám khảo còn bắt đi vòng vèo nhiều nơi, lại lừa bảo đi vào đường cấm nhưng tôi vẫn không mắc lừa. Thế là tôi thi đạt, được cấp bằng lái ngay. Đoàn Khuê tay lái non hơn, sử dụng số cũng chưa thuần thục, lại bị giám khảo lừa đi vào đường cấm ở phố Hàng Lược. Thế là bị đánh trượt. Biết lái xe cũng rất tiện, những lúc đi công tác đường dài, lái xe mệt mỏi, có thể lái đỡ các đồng chí ấy vài cung đường và tôi cũng thích lái xe. Một lần, đồng chí Ngọc lái xe cho tôi đi công tác, giữa đường vì phải tránh đàn bò mà đâm vào cột thông tin, xe bị ngã lộn ngược xuống ruộng. May tôi lại tỉnh táo nhanh tay mở được cửa cho mọi người thoát ra. Khi về đơn vị, ai cũng tưởng tai nạn xảy ra là do tôi cầm lái, hoá ra không phải. Tôi chưa bao giờ gây tai nạn khi cầm lái.
Thời gian làm Chính ủy quân khu Bốn, đóng ở thành phố Vinh, xa nhà những 300 cây số (lúc này nhà tôi vẫn công tác ở Tổng cục Chính trị, con cái cũng ở lại Hà Nội cả). Xa nhà tuy cũng hơi buồn song không phải lúc nào cũng có thì giờ mà buồn nhiều, vì công việc lúc đó cũng bộn bề lắm, lắm việc phải lo nghĩ, phải giải quyết. Mà ngẫm ra cũng có cái hay. Trước đây ở nhà riêng, nhất là khi còn nghiện thuốc, nghiện trà, tôi ăn uống khá tuỳ tiện, nhất là sáng ngày ra chỉ hút liền hai điếu thuốc, uống một chén chè đặc rồi đi làm việc, không ăn bữa sáng. Thời gian kéo dài, mình thiếu dinh dưỡng mà không biết. Bỗng một hôm thấy đau bụng ghê gớm. Đi khám bệnh, bác sĩ phát hiện tôi bị loét hành tá tràng do thiếu dinh dưỡng. Họ cũng chỉ giải quyết tạm bằng cách tiêm cho một mồi phong bế để khỏi thấy đau thôi, chưa xử lý gì hơn được. Vừa hay sau đó được vào Khu Bốn, ở đó tôi “ăn cơm tập thể nằm gường cá nhân”, ăn bếp “tiểu táo” với mấy đồng chí ở bộ tư lệnh Quân khu. Sáng nào nhà bếp cũng cho ăn cháo thịt hoặc phở, tôi ăn cũng dần thấy quen và ngon miệng (vì lúc đó đã bỏ thuốc lá rồi). Buổi trưa, buổi tối ăn cùng mâm với cả bộ tư lệnh, thức ăn tương đối khá, có đủ thịt, cá, rau. Một thời gian sau tôi thấy khoẻ hơn, trông có da có thịt chứ không gầy tong teo như trước, bụng lại không thấy đau nữa. Ra Hà Nội chụp phim thì bác sĩ kết luận là chỗ loét dạ dày tá tràng đã thành sẹo và khỏi hẳn từ đó cho đến nay.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá 3, tôi được bầu làm Đại biểu của tỉnh Nghệ An (vì khi làm Chính ủy Quân khu Bốn, tôi sống và làm việc ở thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An). Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam (lần thứ 3), tôi được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng cùng với các đồng chí Trần Độ, Lê Quang Đạo, Nguyễn Thanh Bình v.v… (Lúc đó số ủy viên Trung ương rất ít, chỉ mấy chục người, đa số là Đảng viên những năm 30. Chính xác 47 ủy viên chính thức).
_____
CHƯƠNG 5: RA NGOÀI QUÂN ĐỘI
06-03-2015
Có lẽ do thấy tôi đã làm tốt công tác tổ chức trong quân đội, nên sau khi tôi được bầu vào Trung ương, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã giới thiệu và tôi được quyết định làm phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, sau Lê Đức Thọ. Vì các đồng chí phó Ban khác như Phan Triêm, Vũ Oanh, Trương Quang Giao, Vũ Dương… đều chưa phải là Ủy viên Trung ương nên vô hình trung tôi trở thành “phó một”. Được phân công công tác mới nên cuối năm đó, tôi bàn giao công tác cũ và rời Quân khu Bốn trở về Hà Nội. Trên đường trở về nhà ở Hà Nội, tôi có rẽ qua quê ở Thanh Hoá. Lúc này ở quê, tất cả các vị cao niên bề trên như cha mẹ chú bác cô dì đều chẳng còn ai, chỉ còn cô An là em gái ruột của tôi đang sống nheo nhóc, nhà nghèo, con đông, chồng chết, vừa mới đi bước nữa nhưng ông chồng sau cũng nghèo… Muốn giúp đỡ cô em một tay, tôi đã quyết định đón cháu Dục (hơn tuổi con gái thứ ba của tôi) ra Hà Nội để nuôi cho ăn học. Sau cháu Dục không ở Hà Nội nữa, về quê với mẹ, tôi vẫn tiếp tục gửi tiền nuôi cháu đến khi nó đi làm công nhân. Cùng trong thời gian đó và cũng như chuyện nuôi cháu Dục, gia đình tôi còn phải giúp tiền để anh Thọ tôi nuôi hai trong bốn cháu con anh chị, vì lúc đó anh tôi mới ra Hà Nội làm công nhân, chị không có việc làm, thu nhập không đủ. Khi ở xa, ngoài việc lo chi tiêu những việc đáng kể cho gia đình, tôi gửi hai suất tiền cho nhà tôi chi dùng nuôi nấng hai đứa con trong số bốn đứa con chúng tôi và cũng số tiền hai suất như vậy được gửi cho anh Thọ nuôi các cháu. Nhận công tác ở Ban Tổ chức Trưng ương, nhà tôi chuyển từ phố Lý Nam Đế là “phố nhà binh” lên ở một ngôi nhà khá to đẹp ở đầu dốc Ngọc Hà. Ở nhà đó với chúng tôi còn có một bộ sậu gồm gia đình các anh Vũ Oanh, Vũ Dương, Phan Triêm v.v… Cùng là cán bộ Ban tổ chức Trung ương. Nhà tôi được chia bốn buồng. Một công việc của tôi ở Ban Tổ chức Trung ương là lên lớp huấn luyện cán bộ làm công tác tổ chức cho các ngành, các địa phương. Ngay trong các bài bản phải truyền đạt cho cán bộ trong các lớp huấn luyện cũng đã có những điều tôi thấy cấn cá, cần phải thảo luận bàn bạc để thống nhất lại. Tôi cũng có chính kiến riêng cần đóng góp trong một số văn bản của cơ quan về công tác chuyên môn nghiệp vụ và vấn đề tuyển chọn, đề bạt cán bộ. Nhiều suy nghĩ quan điểm của tôi trái với ý kiến đồng chí Trưởng ban Lê Đức Thọ. Ví dụ: có một bản báo cáo về phân cấp quản lý cán bộ do Vũ Oanh dự thảo và Lê Đức Thọ đã thông qua, chuẩn bị đưa ra trình Bộ chính trị. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng dự, tôi cũng đọc và thấy nó còn có vấn đề. Được đồng chí Thanh cho phép, tôi đã phát biểu ý kiến của mình rằng bản báo cáo chưa phù hợp với với nguyên tắc Đảng quản lý và tập thể xem xét cán bộ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tán thành ý kiến của tôi nên đã đề nghị Bộ chính trị chưa thông qua vội, phải làm lại. Lần khác, trong việc đề bạt cán bộ, tôi không đồng ý đưa một người cựu công chức lên cao quá, vì anh ta không có gì xuất sắc, không tiêu biểu cho thời điểm cách mạng nào hay ngành địa phương nào. Ông Lê Đức Thọ đã bực mình phát gắt lên với tôi và cứ đề bạt người đó. Lại có lần Lê Đức Thọ đặt ra việc thi đua xem đơn vị nào kết nạp được nhiều Đảng viên, do đó sẽ kết nạp ồ ạt không chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn, tôi thì lại muốn chặt chẽ đủ tiêu chuẩn, không quá chú trọng số lượng, nhất là không tán thành đặt ra việc “thi đua kết nạp”. Sau này mới rõ trong công tác cán bộ, ông Lê Đức Thọ “nhiệm nhân duy thân” chứ không phải “nhiệm nhân duy hiền” (tức bổ nhiệm người thân tín của mình chứ không bổ nhiệm người có tài đức). Chuyện trọng dụng người thân, người cánh hẩu ngày càng rõ hơn, chưa kể ông ấy còn có tham vọng muốn làm Tổng bí thư nữa.
Vì mấy lần tôi có bất đồng với Lê Đức Thọ nên ông ấy đã đề nghị Trung ương điều tôi đi khỏi Ban Tổ chức Trung ương và đưa xuống địa phương làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá (thay đồng chí Ngô Thuyền được điều ra Hà Nội làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lương thực. Đồng Chí Nguyễn Đức Tâm lại được điều trở về làm phó Ban Tổ chức Trưng ương, lúc trước chính ông Thọ đưa đi, nay lại điều quay lại). Như vậy tôi chỉ làm phó Ban Tổ chức Trung uơng được 6 tháng. Rời Hà Nội về Thanh Hoá, tôi coi đây là sự phân công của tổ chức nên giữ nguyên tắc là chỉ có phục tùng và khăn gói ra đi ngay. Tôi vào Thanh Hoá có một mình, để gia đình lại Hà Nội, bản thân tôi thì lại thực hiện “ăn cơm tập thể nằm gường cá nhân” như hồi làm Chính ủy Quân khu Bốn, vợ con ở Hà Nội thì hạ cấp tiêu chuẩn nhà ở, từ bốn phòng xuống còn một phòng.
Tôi về Thanh Hoá đang lúc tiến hành quá trình hợp tác hoá ở nông thôn nên cũng lấy đó làm trọng tâm công tác của mình. Nhiều lần xuống cơ sở họp với nông dân, thông báo 8 giờ thì 9 giờ bà con mới đến tàm tạm đủ. Ban thường vụ Tỉnh ủy lúc đó phần lớn là cán bộ nông dân, chẳng coi trọng khoa học nông nghiệp lắm, nhiều việc chẳng hỏi ý kiến Ty Nông nghiệp gì cả. Thậm chí ông Lương Đình Của vào Thanh Hoá, thường vụ cũng thờ ơ, chỉ có tôi đưa ông ấy xuống giúp nông dân làm kỹ thuật nông nghiệp. Khi bàn kế hoạch thì trong tỉnh ủy đa số chỉ cốt đề ra chỉ tiêu cao chứ chẳng dựa vào cơ sở khoa học nào và biện pháp gì. Bản thân tôi lúc đó chưa có kinh nghiệm, chưa qua thực tiện nên chưa nói gì được, chỉ thấy băn khoăn không biết chỉ tiêu cao như vậy có sát hợp không?
Thời gian làm bí thư Thanh Hoá, tôi có đồng chí Tứ phó Văn phòng là viết được nhưng mỗi khi cần thảo văn bản gì tôi vẫn phải nêu ra ý chính để đồng chí đó thể hiện, sau đó tôi xem lại. Lúc đó cũng có một đồng chí thư ký có chức danh hẳn hoi nhưng thực chất lại chỉ làm giáo viên văn hoá, dạy tôi hết chương trình cấp III, học vào các buổi tối. Vì đồng chí vốn là giáo viên cấp III chứ không phải người viết nên sau đó khi học xong chương trình tôi lại trả đồng chí về trường tiếp tục dạy học. Rồi điều thêm đồng chí Lê Thế Chữ về nhưng cũng không làm nổi việc viết văn bản văn kiện. Các việc cần viết tôi vẫn thường tự làm lấy.
Đầu năm 1961, Bác Hồ vào thăm Thanh Hoá, chúng tôi bố trí Bác nghỉ ở một phòng trong ngôi “nhà tầng” độc nhất của thị xã Thanh Hoá lúc đó mới xây để lấy nơi làm việc cho Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh. Buổi trưa hôm đó khi chưa đến giờ làm việc, Bác đi sang khu nhà ở của cán bộ tỉnh, mới có nhà cấp 4. Bác thấy nơi tôi ở và làm việc rất đơn sơ: một gường cá nhân, một tủ, một mắc áo, một bàn làm việc. Bên cạnh gian đó, có một bàn dài, hai dãy ghế hai bên để họp thường vụ. Bác không nói năng gì, đi ra ngồi dưới gốc cây bàng trước cửa phòng tôi, gọi đám trẻ con ở gần đấy đến. Thằng cu Dũng và con Hà nhà tôi cũng chạy đến Bác trong đám trẻ đó. Dũng bé nhất đám nhưng không chịu chạy chậm hơn các anh chị. Bác thấy thằng bé dễ thương mới hỏi nó con ai, một đồng chí bảo vệ của tỉnh uỷ nói nó con anh Vĩnh. Thế là Bác nhớ ra ngay: “À, thế ra là thằng cu Trung Dũng đây” (chả là khi nhà tôi được một mụn con trai sau khi đã có ba con gái, tôi mừng quá đem chuyện đó khoe với Bác, Bác bảo con trai phải trung thành, dũng cảm; nên đặt là Trung Dũng. Việc nhỏ đó mà Bác cũng không quên). Biết được thằng cháu Dũng là con trai tôi, Bác mới ôm nó vào lòng, cho chụp ảnh chung rồi Bác đi về chỗ nghỉ. Mọi người đoán là Bác đã hài lòng khi đi kiểm tra đột xuất nơi ở của tôi.
Chúng tôi đưa Bác đi thăm hợp tác xã Yên Trường thuộc huyện Yên Định, đồng bào xúm đông lại không còn lối mà đi. Bác họp với Ban quản trị, nghe báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo, thăm hỏi động viên đồng bào rồi về; sau đó Tỉnh ủy triệu tập tất cả cán bộ phụ trách các xã trong toàn tỉnh về sân vận động để nghe Bác nói chuyện. Bác đứng trên bục cao để nói cho được rõ hơn vì cuộc họp rất đông người, tôi đứng bên cạnh tháp tùng. Nói chuyện xong Bác quay lại bảo tôi đánh nhịp cho đồng bào hát bài “Kết đoàn”. Thật là quá khó đối với tôi vì xưa nay tôi chẳng bao giờ biết hát một câu nào, ngay từ thời còn đi học tôi đã thường bị điểm “zero” (điểm không) về môn hát. Tôi lóng ngóng giơ tay lên, đang chưa biết làm thế nào thì Bác đã giang rộng hai tay, rất thành thạo “Hai ba”, bắt nhịp cho đồng bào hát bài Kết đoàn. Trên bàn tay phải Bác vẫn còn cặp điếu thuốc lá.
Thời gian đầu mới bắt tay làm Bí thư, tôi nghĩ: con người ngoài cái ăn cái mặc, còn cần phải có cuộc sống văn hoá tinh thần nữa, nên đã đề nghị và được tỉnh ủy chấp nhận việc xây nhà văn hóa Lam Sơn và sân vận động thị xã. hai công trình đó trước đây Thanh Hoá chưa hề có, vì vậy cán bộ và nhân dân thị xã Thanh Hoá rất hoan nghênh. Tôi cũng chú trọng việc giữ gìn phát huy vốn cổ văn hoá của Thanh Hoá nói riêng và vốn cổ dân tộc nói chung; rất coi trọng tầng lớp trí thức văn nghệ sĩ của tỉnh, giúp đỡ tích cực xây dựng các đoàn nghệ thuật chèo, tuồng. Thời đó đoàn tuồng Thanh Quảng (kết nghĩa Thanh Hoá – Quảng Nam) của Thanh Hoá đã phát triển tốt, trở thành một đoàn tuồng có “máu mặt” trong làng tuồng cổ miền Bắc (nước ta lúc đó còn bị chia cắt Bắc – Nam), khá nhiều nhân tài… (Đáng tiếc sau này khi tôi đi khỏi Thanh Hoá, người kế nhiệm không mấy chú trọng văn hoá nên đã để đoàn tuồng Thanh Quảng dần dần mai một).
Bắt tay xây dựng cơ bản một tỉnh đất rộng, người đông nhưng đang rất nghèo nàn lạc hậu như tỉnh Thanh Hoá là một việc quá lớn và cũng có phần quá sức của tôi lúc đó. Chưa bao giờ được học về quản lý kinh tế, chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong việc quản lý địa phương lại vấp phải một dàn cán bộ cũ của tỉnh mang nặng tác phong nếp nghĩ nông dân gia trưởng và có người còn kém hơn cả mình về đường học hành (lại còn không chịu tự học nữa)… Tôi thật sự thấy lúng túng, khó khăn. Với tấm lòng chân thành tha thiết muốn gắn bó xây dựng quê hương, tôi cũng hăng hái đi xem xét các địa phương trong tỉnh để nắm bắt các vấn đề, nhất là về nông nghiệp, những lúc mưa bão thiên tai xảy ra ở đâu tôi cùng xông pha đến ngay, dù đang lúc nửa đêm. Trong đầu óc tôi luôn trăn trở về các việc như làm thuỷ lợi ra sao để thuỷ lợi không thành thuỷ hại; xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở quy mô nào thích hợp để vừa sức với trình độ quản lý của cán bộ nông thôn lúc đó và để phát huy tính tích cực cần cù của người nông dân, không để “người chăm chỉ nuôi người lười biếng”… Và còn nhiều trăn trở làm sao để Thanh Hoá vững vàng đi lên con đường giầu mạnh. Qua một giai đoạn thực tiễn ngắn ngủi, tôi đã bắt đầu nhen nhóm một số ý định, một số suy nghĩ riêng định để khi chín mùi sẽ có dịp đưa vào thực hiện. Tuy nhiên lúc đó tôi cứ thấy mình như bị kẹt giữa hai sức ép: một phía là những chủ trương định hướng nguyên tắc từ trên dội xuống buộc phải thực hiện, một phía là những người cùng làm việc với mình, nhiều người “do lịch sử để lại”, mang nặng tính chủ quan bảo thủ, duy cảm, duy ý chí và lại có phần trì trệ. Bản thân mình lúc đó cũng còn nhiều nhược điểm và cũng bị hạn chế về tầm nhìn, song ít ra cũng còn biết độc lập suy nghĩ (coi trọng hiệu quả công việc), không phải lúc nào cũng chạy theo thành tích, chạy theo phong trào. Lúc dó tôi cũng đã mang máng nhận ra cái ý định đưa hợp tác xã cấp thấp nhanh chóng tiến lên cấp cao và nhanh chóng mở rộng quy mô hợp tác lên toàn xã là có gì đó quá nóng, quá nhanh, chưa phù hợp. Nhưng tự mình cũng chưa có dịp đi sâu nghiên cứu thu thập tư liệu phân tích để kết luận vấn đề cho chắc. Vả lại nếu có phân tích kết luận được vấn đề rồi, chắc lúc đó cũng chẳng trình bày được với ai, mà cũng chẳng ai chịu chấp nhận ý kiến của mình. Lúc đó ngay cả trên Trung ương cũng còn mơ mộng đất nước ta “tiến lên như cỗ xe trăm mã lực khổng lồ” kia mà. Hơn nữa, có đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã tổ chức phá rào “khoán chui” cho nông dân sau tôi hàng chục năm mà vẫn còn bị Trung ương kỷ luật đó thôi?
Mãi sau này khi đã có bao nhiêu thực tiễn bác bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, lại có sự xem xét phân tích sâu sắc và đầy tinh thần trách nhiệm của Tổng bí thư Trường Chinh để dẫn đến “đổi mới tư duy” thì mọi việc mới thoáng ra và tôi cũng nghiệm thấy sự cảm nhận mơ hồ của mình ngày xưa cũng không phải không có cơ sở.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm đau xót trong quãng đời làm Bí thư tỉnh ủy. Đó là vào khoảng năm 1963 – 1964, Thanh Hoá thường bị lụt lội, nhất là các vùng Nông Cống, Tĩnh Gia, Nam Đông Sơn. Những lần mưa bão, tôi đều đi đến tận nơi nắm tình hình và trực tiếp giải quyết. Thực ra lúc đo ở cấp tỉnh, nhân tài vật lực không được tự chủ như bây giờ và việc sản xuất lưu thông phân phối còn bị trói buộc bởi cơ chế quan liêu bao cấp nên năng suất kém, thu nhập thấp, lực lượng dự trữ của tỉnh rất mỏng nên có lúc đi đến nơi, thấy được địa phương có khó khăn thực sự đấy nhưng việc giải quyết còn hạn chế. Năm đó ở Nam Quảng Xương mất mùa nặng quá, đồng bào đứt bữa, phải đi kiếm rau dại mà ăn. Tỉnh biết rõ quá nhưng không có gì để cứu trợ, bản thân lại lúng túng không dám kêu Trung ương giúp vì sợ làm khó cho Trung ứơng. Mãi đến khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh về Thanh Hoá kiểm tra, thấy dân đói quá, đã lên Trung ương đề nghị trợ cấp cho Thanh Hoá một ngàn tấn gạo mới giải quyết được nạn đói của dân Nam Quảng Xương, để dân lấy sức sản xuất tiếp vụ sau. Tôi rất ân hạn về sự việc đó, thấy rõ cả trách nhiệm và phương pháp giải quyết vấn đề của mình đều chưa tốt. Có dịp, tôi đã nói với đồng chí Nguyễn Chí Thanh tâm sự của mình, nhận khuyết điểm và ngỏ ý đề nghị Trung ương tìm người có năng lực bản lĩnh hơn đưa về Thanh Hoá xây dựng tỉnh tổ chức, thuyết phục sốc lại đội ngũ cán bộ sao cho đoàn kết, năng động và làm việc có hiệu quả hơn.
_________
CHƯƠNG 6: LÀM CỐ VẤN GIÚP LÀO
08-03-2015
Đúng lúc tôi băn khoăn bối rối về công tác ở Thanh Hoá thì đồng chí Kay-xỏn, Tổng bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào sang xin Trung ương Đảng ta cử một ủy viên Trung ương sang giúp. (Lúc đó Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc và chuẩn bị đánh vùng giải phóng Lào. Từ khi đồng chí Chu Huy Mân thôi việc giúp Lào, đồng chí Lê Chưởng sang một thời gian rồi thôi thì không có ai làm cố vấn giúp Lào nữa. Vả lại đồng chí Lê Chưởng lại không phải ủy viên Trung ương). Đảng ta vốn đã có một cơ quan chuyên giúp Bạn Lào, mật danh là CP38, lúc đó đang không có ai phụ trách, chỉ có một số ủy viên như đồng chí Đào Việt Hưng (đang ở Lào), đồng chí Nguyễn Chính Giao, Đinh Văn Khanh thì đang ở Việt Nam. Theo đề nghị của đồng chí Kai-xỏn Phôm-vi-hản, Trung ương cho tôi thôi Bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá, cử tôi làm quyền Trưởng ban PC38 ở trong nước và làm Trưởng đoàn cố vấn giúp Lào bên cạnh Trung ương Bạn. (Sau này gọi là trưởng đoàn chuyên gia).
Cuối năm 1964, sau khi cử tôi làm phó Ban Công tác miền Tây (CP38) – mà thực sự là quyền Trưởng ban rồi, Trung ương mới cử đồng chí Xuân Thuỷ kiêm chức Trưởng ban. Phải cử đồng chí Xuân Thuỷ vì đồng chí lúc đó là ủy viên Ban bí thư Trung ương Đảng, vừa để tỏ sự trọng thị đối với Bạn, vừa để cho CP38 có đủ quyền lực để làm việc với các cơ quan trong nước và quyết định được các vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế. Thời gian đó tôi thường xuyên ở bên Lào (Sầm Nưa), đồng chí Xuân Thuỷ ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi có về báo cáo đồng chí Xuân Thuỷ.
Cuộc tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 của ta ở chiến trường miền Nam đã dẫn tới cuộc đàm phán ở Pa-ri giữa Việt Nam và Mỹ, đồng chí Xuân Thủy được cử tham dự hội nghị và hầu như suốt thời gian đàm phán đều ở Pa-ri. Vì vậy, vô hình trung tôi trở thành quyền Trưởng ban Công tác miền Tây. Khi Trung ương báo cáo với Bác Hồ việc cử tôi đi làm Trưởng đoàn cố vấn giúp Lào thì Bác đồng ý ngay, bảo: “Cử chú Vĩnh đi thì được”. Vì Bác đã về Thanh Hoá kiểm tra khi tôi làm Bí thư tỉnh ủy.
Trước khi đi Bác cho gọi tôi đến ăn cơm với Bác. Ăn xong ra uống nước, Bác chỉ dặn tôi: “Chú sang bên ấy, chú có ý kiến gì thì chú góp với Bạn để Bạn làm, chú không được làm thay và chú không được làm ông Toàn quyền.”
Khi tôi mới bắt tay vào việc giúp Bạn Lào thì đồng chí Văn Tiến Dũng (lúc đó là Tổng tham mưu trưởng) mời tôi đến Bộ tổng tham mưu và nói: “Anh sang đấy, anh kiêm giúp làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự luôn.” Từ đó tôi kiêm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự. Chỉ bằng một câu nói như vậy thôi, không giấy tờ quyết định, thủ tục gì cả. (Có lẽ vì lúc đó đang là thời chiến, nhiều công việc người ta quen không câu nệ giấy tờ thủ tục chăng? Hay cũng tại tôi quá nể nang, nhận công việc rồi cũng không lo tự mình đi làm thủ tục để hợp thức hoá?). Như vậy, tôi kiêm làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự (mật danh là 959) bảy năm trời, chỉ được phát một bộ quân phục và đeo lại quân hàm thiếu tướng chứ không được hưởng một tý chế độ, chính sách nào đối với sĩ quan và cũng không được nâng cấp quân hàm. Bao nhiêu năm cũng vẫn ăn lương như lúc còn làm phó Ban Tổ chức Trung ương. (Có lẽ bên Trung ương thì nghĩ tôi là quân đội, bên quân đội thì nghĩ tôi là người của Trung ương và những người phụ trách về chế độ chính sách của quân đội cũng chẳng có giấy tờ nào làm căn cứ để thực hiện chính sách chế độ đối với tôi. Thành ra 20 năm làm việc tôi vẫn không được lên lương cho đến khi làm Đại sứ ở Bắc Kinh, anh em mới phát hiện với trên và thủ tướng Phạm Văn Đồng mới quyết định cho tôi hưởng lương chuyên viên 9, ngang lương Bộ trưởng lúc bấy giờ).
Lại nói chuyện làm việc với Bạn Lào, tuy Bác Hồ đã dặn dò cẩn thận, nhưng tôi chỉ thực hiện được một phần ý Bác là: “Không được làm ông toàn quyền” thôi. Gần như tôi không có dịp nào trình bày ý kiến chính thức trước cả ban lãnh đạo của Lào và các đồng chí lãnh đạo khác, ngoài đồng chí Kay-xỏn. Theo ý đồng chí Kay-xỏn, dường như tôi trở thành cố vấn và thư ký riêng của đồng chí đó. Nhiều chỉ thị hoặc kế hoạch hàng năm, đồng chí Kay-xỏn cứ nhờ tôi viết, tôi từ chối nhiều lần nhưng đồng chí cứ nài: “Tôi bận quá, nhờ anh thảo hộ”. Ngay cả bản báo cáo chính trị đọc tại Đại hội lần thứ nhất Đảng nhân dân cách mạng Lào (năm 1968 hoặc 1969) cũng vậy.
Khi bắt đầu chuẩn bị Đại hội Đảng, tôi và đồng chí Kai-xỏn phải trao đổi ý kiến rất nhiều, lúc thì tôi sang chỗ đồng chí Kai-xỏn, lúc thì đồng chí ấy sang chỗ tôi (ở trong một hang đá thuộc tỉnh Sầm Nưa). Trao đổi hòm hòm rồi ít hôm sau đồng chí Kay-xỏn lại yêu cầu tôi: “Anh viết cho một cái đề cương chi tiết” (!). Ít hôm sau nữa đồng chí lại sang chỗ tôi, nói: “Tôi bận quá mà văn phòng của tôi lại không làm được, thôi hay anh viết hộ tôi.” Tôi từ chối, nhưng đồng chí không chịu, cứ bảo: “Tôi bận quá, anh gắng giúp.”. Tôi thật khó xử, nếu theo đúng lời Bác dặn thì không thể làm thay cho Bạn, nhưng đồng chí Bạn này đã yêu cầu nhiều lần mà cứ chối mãi thì sẽ mất lòng, dẫn đến mất đoàn kết thì sau này cũng không thể làm việc với nhau được. Thật là khó, cuối cùng tôi đành phải làm theo yêu cầu của đồng chí Kay-xỏn. Tưởng như thế là xong, ai ngờ mấy hôm nữa, đồng chí ấy lại sang trao đổi và nói: “Thôi, anh thảo luôn bản báo cáo hộ tôi đi”. Tôi đành phải làm. Quả là đồng chí Kay-xỏn rất bận, lại không có một thư ký nào cho xứng tầm để chấp bút viết văn kiện cho đồng chí ấy nên tôi “bất đắc dĩ” phải làm thay việc đó. Được cái đồng chí Kay-xỏn tiếp thu rất nhanh, rất chắc các ý kiến đóng góp trong bản văn kiện và khi nhất trí các luận điểm, tư tưởng trong đó, đồng chí đã diễn đạt rất mạch lạc và lôi cuốn khiến người nghe phải tâm phục khẩu phục. Khi đồng chí Kay-xỏn đem văn kiện sang trao đổi với đồng chí Lê Duẩn ở Đồ Sơn (có cả tôi và đồng chí Đào Việt Hưng cùng tham dự), đồng chí Lê Duẩn cũng phải tấm tắc nói riêng với chúng tôi trong giờ nghỉ giải lao: Trình độ của bạn như thế, ta đánh giá thấp là không được!
Đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào họp nhờ tại một địa điểm gần thị xã Hoà Bình (của nước ta) cho an toàn vì lúc đó Mỹ vẫn còn ném bom và cho biệt kích xâm nhập khu căn cứ Sầm Nưa của Lào. Thỉnh thoảng, chúng cũng tấn công vùng cánh đồng Chum.
Thung lũng Viêng Xay ở Sầm Nưa nơi Trung ương Bạn đóng là một túi bom của Mỹ, vì vậy công binh của ta đã phải sang đục nhiều hang làm nơi ăn, nghỉ, làm việc cho các đồng chí lãnh đạo Bạn. Trong suốt thời gian làm việc cố vấn cho Bạn ở Viêng Xay, chuyện bom đạn chơi trò ú tim với mình cứ như cơm bữa. Cũng ở trong một thung lũng nhưng phía Việt Nam ở khu núi Phạ-đeng, phía Bạn ở cánh đồng Nà-cay, hai bên cách nhau chừng nửa cây số. Mỗi lần Bạn sang làm việc với ta hoặc ta sang làm việc với Bạn là mỗi lần đùa với thần chết. Có lần địch ném bom vào đúng cửa hang của tôi nhưng tôi lại đi vắng, không dính bom, chỉ thương cô Thảo người phục vụ của tôi bị chết oan lúc còn trẻ. Lần khác địch lại ném bom trúng hang của tổ chuyên gia về công tác tổ chức, có đồng chí Nguyễn Ân bị bỏng do bom na-pan (nay đồng chí ở Nha Trang, vẫn còn vết sẹo ở cổ và mặt).
Khi bạn họp Đại hội Đảng ở Hoà Bình, tôi cũng phải “trực” ở một ngôi nhà gần khu vực đó. Hàng tối, đồng chí Kay-xỏn vẫn sang hội ý với tôi. Hễ có khúc mắc gì của đại biểu, đồng chí lại tham khảo ý kiến của tôi để ra giải đáp cho đại biểu. Vẫn với cách nói mạnh lạc và hấp dẫn, đồng chí đã giải đáp gẫy gọn mọi vấn đề đại biểu đặt ra. Điều đó khiến đại hội cảm thấy thoải mái, yên tâm tin tưởng. Khi về họp công khai chính thức ở Sầm Nưa, có đoàn đại biểu Đảng ta do đồng chí Lê Duẩn dẫn đầu sang dự.
Thời gian đó, ngay trong nội bộ chuyên gia cố vấn của ta cũng khiến tôi gặp thêm khó khăn khi làm việc với Bạn. Ví dụ bên chuyên gia chính Đảng có đồng chí Đào Việt Hưng giúp Bạn đã lâu năm, thạo tiếng Lào nhưng trình độ hạn chế, có nhiều quan điểm cũ kỹ, phương pháp không sát hợp lắm. Thế nhưng khi góp ý về việc sắp xếp nhân sự của Bạn, đồng chí đó lại hay đưa ý kiến vào những việc quá cụ thể, tiểu tiết về nhân sự hoặc đối sách khiến đồng chí Nu-hắc (là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng Bạn) rất bực mình, có khi phải nói thẳng, đề nghị chuyên gia cố vấn không được can thiệp quá sâu.
Tuy tôi là Trưởng đoàn chuyên gia cố vấn về quân sự, nhưng đồng chí Khăm-tày phụ trách về quân sự của Bạn lại hay làm việc với đồng chí Nguyễn Hoà, Phó đoàn chuyên gia quân sự hơn. Phía Bạn cũng biết đồng chí Nguyễn Hoà (thường gọi là Hoà sẹo) có hạn chế về trình độ quân sự (chính đồng chí Kay-xỏn cũng đã có lần phải nói thẳng với đồng chí Hoà sẹo “Anh nên về đi học thêm”). Nhưng bù lại, Hoà sẹo lại giỏi tiếng Lào và hay tìm cách lấy lòng các đồng chí Bạn trong các công việc phục vụ đời sống (mua bán giúp các hàng quý hiếm, làm các món đặc sản hoặc thịt chó mà đồng chí Kay-xỏn rất thích). Ngoài ra, vì có quan hệ riêng, Hoà sẹo thường biết được Liên Xô giúp ta những trang bị khí tài gì và mách ngay cho Bạn để bạn xin lại ta, ví dụ khi Liên Xô giúp ta hai dàn ra-đa, Hòa gợi ý bạn xin ngay một dàn. Nhưng thực tế, Bạn không có nhu cầu gì với dàn ra-da ấy và cũng chưa có người sử dụng được, vì vậy việc không thành. Khi bàn kế hoạch quân sự hàng năm, anh Hoà sẹo cứ hay đặt chỉ tiêu quá cao, hết giải phóng chỗ này đến giải phóng chỗ kia. Trong khi lực lượng của Bạn rất mỏng, chỉ có hai tiểu đoàn chủ lực và dân quân du kích. Còn quân chủ lực Việt Nam thì đang phải tập trung chiến đấu ở miền Nam là nơi quyết định toàn cục. Chính vì thế mà đồng chí Kay-xỏn và đồng chí Khăm-tày cho là Hoà nhiệt tình với Lào, thích Hoà.
Anh Nguyễn Hoà đã vậy, các đồng chí chuyên gia kinh tế cũng có người thích “cầm đèn chạy trước ôtô”, cứ đề nghị Bạn xin bên ta xây cầu Sốp-hào thông giữa Mộc Châu với Sầm Nưa. Thực tế lúc đó việc qua lại giữa ta và Lào ít dùng đường đó, vì nó hiểm trở hơn. Ta và Bạn thường đi bằng đường qua cửa khẩu Na Mèo, Thanh Hoá. Vì vậy, xây cầu Sốp-hào là không cần và yêu cầu kinh phí rất lớn.
Riêng bản thân tôi thấy những ý kiến đó là thiếu cân nhắc giữa lợi ích của ta và Bạn và càng không sát hợp với thực tế; vả lại thực hiện những đề nghị đó là làm khó lớn cho phía ta. Vì vậy, nên tôi đã phải phát biểu ý kiến hạn chế các mục tiêu đó lại. Cũng vì vậy, mà Bạn nghĩ tôi không “nhiệt tình” với Bạn bằng các đồng chí kia.
Tôi chỉ đồng ý các việc như: kiến nghị đưa sư đoàn của ta ra giúp Bạn đánh chiếm lại cách đồng Chum trong chiến dịch Cù Kiệt, hoặc những trận giải quyết những điểm quan trọng có bọn phỉ co cụm lớn, phải đưa bộ đội quân khu Tây Bắc của ta sang. Những việc trên được thực hiện đã có hiệu quả tốt, giải quyết cho Bạn những vấn đề đáng kể về mặt quân sự.
Nghĩ lại, tôi cũng thấy buồn vì đã gặp phải một trợ thủ cơ hội và phức tạp như anh Hoà sẹo. Không những đã gây khó cho tôi khi làm việc với Bạn mà với tính cách không trung thực vốn có, anh ta cũng gây ra chuyện lục đục trong nội bộ đoàn chuyên gia cố vấn. Trước hết anh Hoà không ưa gì tôi, vì nhiều lần anh ấy gợi ý lấy gỗ quý của Bạn về đóng đồ cho cơ quan và cho tôi nhưng tôi không cho phép lấy của Bạn.
Trong đoàn có anh Trần Nguyên Phi trước ở Cục Tổ chức quân đội (sau chuyển ngành sang Bộ Văn hoá rồi lại trở lại quân đội) được bổ sung sang làm Phó đoàn chuyên gia quân sự sau anh Hoà ít lâu. Anh Phi cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với cách giải quyết của anh Hòa. Thế là anh Hoà kéo bè kéo cánh bịa chuyện nói xấu anh Phi, tôi buộc phải bảo vệ anh Phi, nhưng cuối cùng do có nhiều mưu mô thủ đoạn khó lường hết mà anh Hoà đã lôi kéo được số đông, gây áp lực buộc anh Phi phải bị rút khỏi đoàn chuyên gia, về nước. Việc đó gây khó khăn không ít cho công việc của tôi ở Lào.
Trong thời gian làm chuyên gia cố vấn trên đất Lào, tôi cũng có những kỷ niệm vui, đó là được quen biết với những người lãnh đạo lâu năm, có tấm lòng chân thật, có lòng yêu nước Lào sâu sắc và thực sự có tình bạn thuỷ chung son sắt với Việt Nam như các đồng chí Xu-va-nu-vông, Khăm-tày, Xa-mản, Phu-ni Vông-vi-chít…
Còn kỷ niệm sâu sắc nữa ở bên Lào là những chuyến đi. Tôi không hiểu tại sao anh Đào Việt Hưng giúp Lào khá lâu mà lại không đi đến đâu trên đất Lào trừ phi từng là Việt kiều ở Thái về tham gia khởi nghĩa ở Viêng Chăn và hoạt động ở đó một thời gian, còn chỉ ở Sầm Nưa? Tôi vốn có tác phong công tác là phải sâu sát thực tế, sâu sát đơn vị và địa phương nên tôi rất coi trọng việc đi xuống cơ sở, nắm tình hình để có chủ trương đúng, sát. Hơn nữa, trong các chuyến đi, dù khó khăn gian khổ và nguy hiểm nhưng vẫn có niềm vui là được trải nghiệm, được hiểu biết, được ngắm cảnh non sông đất nước Lào hoang sơ kì bí và tươi đẹp.
Chuyến đi Bắc Lào, lúc đó không thể đi từ Sầm Nưa ngược lên phía Bắc, mà phải vòng về Việt Nam theo đường ôtô lên Điện Biên, qua cửa khẩu Tây Trang, đi bộ theo nương rẫy dọc bờ sông Nâm U đến vùng giải phóng tỉnh Luang-pra-bang. Đi giữa đường bắn được một con nai, đem theo, gặp một tổ công nhân Việt Nam làm đường giúp Bạn liền rẽ vào cùng với họ làm thịt con nai ra ăn “liên hoan” với nhau. Có lúc đi đến suối, thiếu thức ăn, phải ném lựu đạn xuống suối bắt cá mà ăn. Đi qua các bản Lào Thơng thì lại mua được chó làm thịt đánh chén. Từ Tây Trang chúng tôi phải đi bộ, trèo đèo lội suối (vì ôtô phải gửi lại ở Tây Trang). Từ Luang-pra-bang lại đi ngược lên phía Bắc tới các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Nậm Thà, Mường Xài. Lên đó có đường ôtô do Trung Quốc làm giúp Lào thì lại đi được ôtô. Đến Mường Xài, thấy ở bãi sông có nhiều cây dâu cổ thụ, tầm gửi mọc đầy thân, tôi hô anh em hái lấy một bồ đem về (vì có nghe nói tâm gửi cây dâu là quý, chữa được nhiều bệnh), nhưng sau không có dịp nào dùng đến, để hỏng đi. Giờ nghĩ lại thấy tiếc vì chẳng kiếm ở đâu được loại “sạch” như thế!
Sau chuyến đi Bắc Lào, tôi lại cùng một số anh em đi Trung và Hạ Lào. Theo đường 559 phía Tây Trường Sơn xuống đến A-tô-pơ giáp Cam-pu-chia để gặp và họp với tổ chuyên gia của các tỉnh đó. Xuống đấy mới biết tin anh Đặng Tính cùng phụ trách xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh chẳng may trúng mìn hi sinh. Anh em cùng đi thấy vậy không cho tôi đi tiếp lên cao nguyên Bô-lô-ven nữa. Trên đường đi nhiều khi rẽ vào binh trạm của bộ đội Trường Sơn hoặc khi gặp anh Võ Sở (người của Cục Tổ chức cũ) lúc đó làm Chính uỷ một sư đoàn của đường dây 559, đều được đón tiếp chu đáo và có khi còn được chiêu đãi “thịnh soạn”.
Có lần tôi cũng tranh thủ đi được đến cách đồng Chum nổi tiếng, lúc đó cũng là nơi giành đi giật lại giữa bộ đội Lào và bọn Mỹ xâm lược. Ở đó có những chiếc chum bằng đá gra-nít, cao gần đầu người, đường kính khoảng chừng 60 – 70 cm, cái thì thân thẳng như vại cái thì như chum, cái thì đứng, cái thì nghêng, ngổn ngang trên bãi rộng. Truyền thuyết kể rằng có ông Chạu-phạ Ngừm đi đánh giặc xong về khao quân, rượu đựng trong những cái chum đó. Từ cánh đồng Chum trở về, khi đi qua bản Ban chừng ba chục cây số thì thấy trước mặt có một tiếng nổ ầm, rồi khói bốc lên. Thì ra bọn phỉ nổ mìn một chiếc cầu chỉ cách xe chúng tôi độ 10 mét. Thế là chúng tôi phải bỏ xe lại, lội xuống suối rồi đi bộ đến Mường Xén. Sau đó, đi qua cửa Rào xuống Con Cuông (Nghệ An). Phải nói thêm lúc đó ở Lào, Bạn phải đối phó với bọn tay sai của Mỹ là bọn phỉ Vàng Pao. Bọn phỉ này phần đông là người dân tộc Lào Sủng. Mỹ dùng người Lào Sủng đánh lại lực lượng của Mặt trận Lào yêu nước cốt để gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ người Lào Sủng với Lào Thơng và Lào Lùm hòng chiếm và nô dịch nước Lào.
Sau năm 1972, Mỹ phải ký hiệp định Pari rút khỏi miền Nam Việt Nam thì ở Lào cũng có một thỏa thuận thành lập Chính phủ liên hiệp giữa Neo Lào Hắc-xạt (Mặt trận Lào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào) và Chính phủ “trung lập” Xu-va-na-phu-ma (Chính phủ của ông Phu-ma thực chất là thân Mỹ). Để chuẩn bị cho một số cán bộ cao cấp của Bạn vào Viêng Chăn tham gia Chính phủ liên hiệp, tôi lại phải mời các đồng chí đó xuống Đồ Sơn để các đồng chí được hướng dẫn sơ bộ cách thức và nội dung xử lý khi giữ chức Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng trong Chính phủ liên hiệp. Ban đầu định mời các đồng chí bộ thứ trưởng của ta xuống giới thiệu với các đồng chí Bạn, nhưng các đồng chí đều bận không xuống được. Thành ra, lại là tôi, với những hiểu biết sơ sài của mình, đã phải đứng ra nói với các đồng chí Bạn một số nội dung và quan điểm của ta về một số bộ quan trọng như Quốc Phòng, Ngoại giao, Tài chính, Giáo dục v.v…
Vì cuộc chiến tranh đã kết thúc, Bạn Lào đã chuẩn bị vào Viêng Chăn để tham gia Chính phủ liên hiệp nên lại có cuộc gặp hội đàm giữa các đồng chí đứng đầu hai Đảng. Đồng chí Kay-xỏn gặp đồng chí Lê Duẩn ở Đồ Sơn, tôi và đồng chí Đào Việt Hưng cũng đến dự. Đồng chí Kay-xỏn đề nghị rút chuyên gia Việt Nam về, đồng chí Lê Duẩn cũng đồng ý. Tôi còn hỏi lại đồng chí Lê Duẩn: “Nay mai tôi về, tôi thực hiện sự thoả thuận đó chứ?” Đồng chí Lê Duẩn ừ. Tôi về chỉ thị cho các tổ chuyên gia các tỉnh rút sớm để tránh mùa mưa kéo dài sẽ có nhiều khó khăn về đường xá đi lại. Thế nhưng ở dưới tỉnh, các đồng chí Bạn vẫn chưa chuẩn bị được tinh thần tự lập, chưa muốn chuyên gia rút ngay, họ nhao nhao kiến nghị lên Trung ương. Do vậy đồng chí Kay-xỏn lại quay ra trách tôi là rút chuyên gia vội quá. Bị trách oan, lúc đầu tôi cũng bực, nhưng sau tôi nghĩ lại, tôi thấy mình cũng có cái sai. Lẽ ra sau khi hai đồng chí Tổng bí thư đã nhất trí với nhau, tôi phải báo cáo để đồng chí Kay-xỏn biết kế hoạch rút chuyên gia về. Nếu muốn rút trước mùa mưa thì cũng phải nói rõ lý do cho đồng chí đó thông cảm, nhất là việc rút chuyên gia ở các tỉnh.
Giữa năm 1973, khi tôi đã về Hà Nội và việc rút chuyên gia ở các cơ quan Trung ương đang được thực hiện đến bước cuối, các đồng chí Bạn chuẩn bị vào Viêng Chăn, Trung ương của Bạn có mời tôi lên Viêng-xay để gặp gỡ, liên hoan chia tay với các đồng chí. Nhưng khi từ Hà Nội sang Viêng Xay, mới đến Quan Hoá (Thanh Hoá) thì trời mưa to, rất to, đường lầy lội, xe hầu như không thể lăn bánh được, tôi đành quay trở về Hà Nội. Sau mới biết rằng như vậy là đã làm lỡ một việc quan trọng, làm các đồng chí Bạn không thực hiện được ý định tổ chức một cuộc chia tay long trọng có cả nhiều đồng chí cao cấp chờ đón để cảm ơn và tặng huân chương tự do (huân chương cao quý của Bạn) cho tôi. Như vậy hỏi sao các đồng chí đó không bực mình? Sau này, tuy tôi có viết thư báo lại cho các đồng chí việc đi đường như thế nào, nhưng Bạn vẫn có ý giận. Tôi ân hận vô cùng, lẽ ra khó khăn đến mấy tôi cũng phải cố mà lên để khỏi phụ lòng Bạn.
Năm 1995 (Đại hội 8 của Đảng ta), Đoàn đại biểu Lào do đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon (thường gọi là Khăm-tày) dẫn đầu đã sang dự. Trong giờ giải lao, tôi trông thấy đồng chí Khăm-tày liền đến chào và hỏi thăm sức khoẻ. Hình như đồng chí sực nhớ ra rằng từ khi Đảng nhân dân cách mạng Lào hoàn toàn giành được chính quyền, phía Bạn chưa mời tôi chính thức đi thăm lại Lào ở Viêng Chăn lần nào (mà trước đó Bạn đã lần lượt mời nhiều cán bộ chuyên gia sang thăm rồi. Thời gian dài sau khi rút khỏi Lào, tôi lại đi làm Đại sứ tại Trung Quốc nên chưa mời được). Vì vậy, đồng chí đã mời tôi cùng gia đình và cả mấy gia đình chuyên gia còn “sót lại” cùng sang chơi thăm Lào. Tôi làm Trưởng đoàn đó, Khi đến Viêng Chăn, Bạn bố trí máy bay trực thăng và cử đồng chí Phó Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tháp tùng đưa chúng tôi đi chơi nhiều nơi. Chúng tôi được thăm cố đô Luang-pra-bang, Mường Xài, Xay-nha-bu-li, Xiêng Khoảng… Dĩ nhiên là ở Viêng Chăn đã tham quan nhiều di tích thắng cảnh và các cơ quan có các đồng chí quen biết cũ. Đồng chí Kay-xỏn lúc đó đã mất, Bạn đã lập bảo tàng Kay-xỏn nên tôi cũng có đến thăm bảo tàng. Khi chúng tôi mới sang Viêng Chăn thì đồng chí Khăm-tày (lúc đó là Chủ tịch Đảng nhân dân cách mạng Lào) còn đang công tác ở phía Nam. Khi đoàn chúng tôi trở lại Viêng Chăn thì đích thân đồng chí Khăm-tày tiếp đón và tặng tôi một vật kỷ niệm, đó là cái típ đựng xôi quen thuộc của người Lào, đan bằng sợi bạc dát mỏng. Đồng chí Xa-mản (Chủ tịch Quốc hội Lào) cũng tiếp và mời cơm thân mật. Còn đồng chí Nu-hắc mà chúng tôi quen và làm việc nhiều với nhau ở chiến khu Sầm Nưa ngày trước thì đã ốm yếu quá nên Bạn không bố trí cho tôi đi thăm được.
Suốt chuyến thăm lại đất nước Lào đó, đoàn chúng tôi đi đến đâu, Bạn cũng tổ chức đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo, chiêu đãi thịnh soạn, buộc chỉ cổ tay chúc phúc… Sau lần đó, bên Bạn còn gửi cho tôi tấm huân chương Tự do hạng nhất (mà lẽ ra tôi đã được nhận từ năm 1973, thời gian có chuyến đi không thành sang Viêng Xay ngày trước).
_________
Chương 7: LÀM ĐẠI SỨ TẠI TRUNG QUỐC
09-03-2015
1. Đầu năm 1974, thấy tôi xong nhiệm vụ ở Lào rồi mà chưa có việc gì khác, nhân đồng chí Ngô Thuyền đau ốm xin về, trên Trung ương Đảng mới quyết định cử tôi sang làm Đại sứ nước ta ở Trung Quốc. Lúc đó Việt Nam còn coi Liên Xô, Trung Quốc như anh cả anh hai cho nên để tỏ ý trọng thị, ta vẫn cử Ủy viên Trung ương Đảng làm Đại sứ hai nước đó. Trước khi lên đường đi sứ, nhân còn thời gian rỗi, tôi tranh thủ đi thăm một số tỉnh biên giới phía Bắc nước ta để nắm bắt một số tình hình cần thiết cho việc làm Đại sứ, hơn nữa tôi cũng muốn biết tình hình đất nước mình nói chung vì từ khi nhận nhiệm vụ giúp bạn Lào, tính ra đã mười năm xa rời thực tế của đất nước mình rồi. Lúc đó đất nước còn đang chiến tranh, đời sống nhân dân còn rất khó khăn, ở đâu quang cảnh cũng đìu hiu, trầm trầm không có gì là khởi sắc. Ngay cả những nơi bây giờ là khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng như Tam Đảo, Sa Pa cũng thưa thớt bóng người, dân chỉ trông vào trồng lúa, nuôi lợn, nuôi gà đủ ăn và làm nghĩa vụ giao nộp sản phẩm cho thương nghiệp quốc doanh thôi. Nhà cửa lâu đài biệt thự ở Tam Đảo, Sa Pa bỏ hoang phế, đổ nát, mặc cho dơi bay cú rúc… Nhưng lúc đó cũng có cái hay là môi trường còn nguyên sơ trong lành lắm, động vật hoang dại còn chưa bị săn lùng ráo riết như bây giờ. Còn nhớ khi lên Tam Đảo, một bác nông dân đang chăm ruộng lúa, bắt được con rùa vàng, bác liền vui vẻ tặng ngay cho cu Dũng nhà tôi vì thấy nó có vẻ lạ lùng và thích thú lắm. Một tối chúng tôi và trú nhờ ở huyện lỵ Bảo Thắng (lúc đó thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn), ăn cơm với huyện ủy, đồng chí Bí thư huyện còn tỏ ý rất tự hào vì “cả huyện tôi không có một cái chợ nào”, cho rằng quản lý như vậy là chặt chẽ và giữ được địa bàn trong sạch, không để cho việc buôn bán làm vẩn đục môi trường xã hội, chỉ có sản xuất mới là việc làm đúng đắn cần thiết. Lúc đó cả tôi cũng chẳng lấy thế làm ngạc nhiên, mà cũng chưa biết rõ rằng không có chợ buôn bán thì chính sản xuất cũng không thể phát triển nổi, chỉ quẩn quanh trong vòng tự cấp tự túc mà thôi.
Khoảng giữa năm 1974, tôi lên đường sang Trung Quốc. Từ khi đó cho đến tháng tư năm 1975 thì quan hệ Việt – Trung vẫn còn bình thường. Sau ngày thắng lợi của ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, Trung Quốc có cử một đoàn đại biểu cao cấp do ông Đặng Tiểu bình dẫn đầu đến Sứ quán ta chúc mừng thắng lợi. Ngày hôm sau, Trung Quốc tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Thiên An Môn để chào mừng chiến thắng của Việt Nam. Trong cuộc mít tinh đó, Đặng Tiểu Bình đọc diễn văn, tôi đọc đáp từ. Trong đáp từ tôi cũng có nói “nhân dân Việt Nam rất biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của Việt Nam không tách rời khỏi sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc”. Trong thực tế, khách quan mà nói Trung Quốc giúp ta nhiều thật: vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, ta cũng khó thắng Mỹ. Nhưng việc đánh ta, giết hại đồng bào ta, phá sạch nhà cửa của cải của ta năm 1979 đã xóa sạch ân nghĩa đó.
Cũng trong thời gian đó, ông Xi-ha-núc (Quốc vương Cam-pu-chia) và bà hoàng Mô-nic cùng sống ở Bắc Kinh, họ được Trung Quốc dành cho một biệt thư riêng. Họ quan hệ khá tốt với Đại sứ quán ta, với tôi. Có lúc ông Xi-ha-núc mời tôi và một số Đại sứ thân tình đến đánh cầu lông trong biệt thự riêng. Ngày Quốc khánh của Việt Nam, ông ta cũng đến chúc mừng. Cũng có lúc tôi viết thiếp mời hai ông bà sang Sứ quán ta ăn cơm. Trước đây đã có thời Xi-ha-núc ở Việt Nam khá lâu, cũng được dành một biệt thự ở phố Nguyễn Du Hà Nội, ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời, ông ta có vẻ thân và kính trọng Thủ tướng lắm. Có lần ở Bắc Kinh, ông ta còn ngỏ ý với tôi là muốn được sang Việt Nam ăn Tết. Tuy ăn ở tại Trung Quốc nhưng xem ra ông ta thích ở Việt Nam hơn Trung Quốc. Ngay cả bọn Pôn-pốt Yêng-sa-ri sau này phản bội đem quân đánh Việt Nam, thi hành tội ác diệt chủng ở Cam-pu-chia, nhưng trước đó cũng có quan hệ tốt với Việt Nam, vì cùng chung kẻ thù là bọn Mỹ xâm lược. Khi Mỹ dựng lên chính phủ Lon-non, lật đổ Xi-ha-núc thì Đảng của Pôn-pốt đứng ra đánh Lon-non. Đã có vài lần chính Yêng-sa-ri sang xin viện trợ của Trung Quốc đã phải đến Sứ quán ta nhờ tôi điện về xin Chính phủ ta chuyển giúp vũ khí của Trung Quốc vào Cam-pu-chia giúp họ; cũng có lúc tôi đã mời Yêng-sa-ri ăn cơm ở Sứ quán. Nhớ lại lúc tôi còn làm việc ở Lào, ba nước còn chiến đấu chống Mỹ và bọn tay sai của Mỹ, đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn cũng đã từng mời đồng chí Kay-xỏn Phôm-vi-hản và Pôn-pốt (lúc đó gọi là đồng chí Thanh) sang hội đàm giữa ba Tổng bí thư. Hôm chiêu đãi hai Tổng bí thư Đảng Lào và Cam-pu-chia, tôi cũng được mời đến dự.
Lại nói chuyện Trung Quốc đối với Việt Nam, năm 1976, không khí quan hệ đã bắt đầu đi xuống. Phía Việt Nam cử đoàn quân sự cao cấp do đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng đầu mục đích chính là để cảm ơn Trung Quốc. Trước khi đi, đồng chí Giáp đã nghe Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao ta báo cáo tình hình, nhưng có lẽ bản báo cáo của đồng chí Hoàng Bảo Sơn lúc đó còn quá lạc quan nên đồng chí Giáp chưa tin, khi sang đến Trung Quốc đồng chí gọi tôi đi dạo nói chuyện riêng. Tôi báo cáo là thấy tình hình xấu đi, đồng chí Giáp cũng đồng ý như vậy. Quả thật, chuyến đó Trung Quốc đối xử với đoàn rất kém trọng thị. Khi đến thăm Tỉnh Cương sơn (di tích cách mạng của Trung Quốc) cùng với đoàn Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên. Người ta đã bố trí đoàn Triều Tiên (cấp thấp hơn đoàn ta) ăn ở phòng sang trọng hơn, bố trí đoàn ta ăn ở phòng thường, thậm chí cho ngồi những chiếc ghế không có lưng dựa. Vì vậy, khi về đến Vũ Hán họp đoàn, nhận xét chuyến thăm, thì cả đoàn đều bất bình, đồng chí Giáp cũng bực lắm. Mọi người đều muốn gặp Bộ Ngoại giao Trung Quốc để nói rõ những sự đối xử không tốt đó và biểu thị thái độ bất bình. Nhưng tôi góp ý: Ta nên biết vậy thôi, bây giờ làm thế chỉ thêm căng thẳng, không giải quyết được vấn đề gì. Đoàn đồng chí Giáp cuối cùng đã đồng ý với tôi và ra về. Trên xe lửa, phía Trung Quốc vẫn chưa thôi thái độ xấu, cố dọn cho đoàn có cả một chiếc bát mẻ miệng (thật chẳng xứng mặt nước lớn chút nào?).
Tiếp đó lại đến vụ “nạn kiều”, ban đầu phía Trung Quốc gây ra việc dụ dỗ ép buộc người Hoa ở Việt Nam về nước để tìm cớ xa lánh Việt Nam bắt tay với Mỹ để tìm kiếm nguồn vốn là kỹ thuật từ Mỹ và đồng minh, để họ thực hiện mục tiêu “Bốn hiện đại hóa” của họ. Nói cho khách quan, thì phía lãnh đạo của ta cũng thành kiến và nghi ngờ người Hoa sẽ là đội quân thứ 5 của Trung Quốc nên cũng muốn tống người Hoa đi cho rảnh. Không những gây ra vụ “nạn kiều”, lên án Việt Nam xua đuổi Hoa kiều, Trung Quốc còn ngầm xui Khơ-me đỏ (Pôn-pốt Yêng-sa-ri) quay giáo đánh vào biên giới Tây Nam của ta, khiến Việt Nam vừa kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài gian khổ với đế quốc Mỹ, lại phải đương đầu với chiến tranh Tây Nam, đánh nhau với người “bạn cũ”, hòng làm cho Việt Nam không bao giờ đủ mạnh để thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Xét về nguyên nhân sâu xa, có thể nói: với tư tưởng bá quyền nước lớn vốn thâm căn cố đế, đã từ lâu, Trung Quốc muốn kéo ta vào tầm ảnh hưởng của họ, bắt ta phải thuần phục họ. Hơn nữa, những người cầm quyền Trung Quốc cũng thường có thói quen đối xử với các nước nhỏ theo phương châm “thuận ngã giả xương, nghịch ngã giả vong” (theo lời ta thì được tốt đẹp, chống lại ta thì ta cho chết). Tuy biết họ như vậy nhưng phía ta mà khôn khéo hơn thì khó để họ lấy cớ gây hấn với ta, bởi vì Trung Quốc lại còn cái bệnh giả nhân giả nghĩa, rất muốn và rất cần che đậy dã tâm của mình. Trong thời gian sau năm 1976, ở Việt Nam cũng có những cái đầu nóng, khi Trung Quốc cố ý gây hiềm khích qua vụ “nạn kiều” thì phía ta lại cũng có ý “tát nước theo mưa”, thành kiến với người Hoa, kỳ thị người Hoa ở Việt Nam, bất kể có người đã là Đảng viên là anh hùng đã đóng góp thực sự cho cách mạng Việt Nam. Tiếp đó ta lại vội vã ký hiệp ước hợp tác hữu nghị với Liên Xô (vào tháng 11 năm 1978) nên cũng góp thêm phần làm cho Trung Quốc ra mặt thù địch với Liên Xô). Cho đến khi Việt Nam buộc phải đánh cho Pôn-pốt một đòn đau, tiến quân vào tận Nông-pênh thì Trung Quốc càng có cớ để động binh, thực sự gây chiến tranh với Việt Nam mà theo Trung Quốc nói công khai là “dạy cho Việt Nam một bài học” (về “tội” câu kết với Liên Xô và đánh Cam-pu-chia), Trung Quốc nói cần phải “chi viện” các đồng chí Khơ-me đỏ. Cuộc chiến tranh tháng 2/1979 tuy trên phương diện quân sự thì Trung Quốc thua, buộc phải rút quân về nước còn bị ta bắt sống nguyên một đại đội; nhưng Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều mục đích riêng của họmà mục đích hàng đầu vẫn là để cầu thân với Mỹ (vốn là kẻ thù số một của ta vừa bị Việt Nam đánh cho thua đến “lấm lưng trắng bụng”) và phá hoại ba tỉnh của ta là Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai.
2. …Lược lại một đoạn lịch sử quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, thì thấy: ngay từ những năm 50 của thế kỷ 20, khi hai nước còn “hữu hảo” lắm, thì họ đã muốn chinh phục ta bằng lý luận tư tưởng Mao Trạch Đông qua nhiều con đường như sách báo, các đoàn cố vấn, các mối quan hệ qua lại… Ta cũng có thời kỳ bị ảnh hưởng về lý luận tư tưởng đó. Bằng chứng là lúc đó trong trường Đảng của ta còn có chương trình học tư tưởng Mao Trạch Đông và trong thực tiễn cũng làm nhiều việc theo cách của Trung Quốc như việc cải cách ruộng đất đấu tố địa chủ hoặc việc chỉnh đốn tổ chức cũng tổ chức đấu tố “phản tỉnh” trong nội bộ. Sau này, khi phát hiện cải cách ruộng đất là sai lầm, gây tổn thất nghiêm trọng, ta mới tỉnh ngộ, từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông và không tổ chức thực tiễn theo phương pháp của Trung Quốc nữa. Thất bại trong việc chinh phục bằng lý luận tư tưởng, Trung Quốc chuyển sang chính sách chinh phục ta bằng kinh tế. Từ năm 1954 về sau. Trung Quốc đã giúp ta xây dựng hàng loạt nhà máy xí nghiệp (như Gang thép Thái Nguyên, Phân đạm Bắc Giang, Cao su – xà phòng – thuốc lá Thượng Đình Hà Nội, Bóng đèn phích nước Rạng Đông v.v….) nhưng chất lượng sản phẩm không cao bằng được Trung Quốc, một mặt vì họ cung cấp thiết bị và công nghệ cũ, mặt khác dù có công nghệ tốt họ cũng không chuyển giao cho ta.
Giúp nhiều như vậy, một mặt họ bắt ta phải hàm ơn, phải đi theo; mặt khác, buộc ta phải lệ thuộc họ về phụ tùng nguyên liệu. Vì vậy họ tiếp tục giúp ta về tiền và vật chất mãi đến khi chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cũng còn một mục tiêu là giúp Việt Nam là để giữ an toàn cho phía Nam Trung Quốc (nếu để Mỹ chiếm được cả Việt Nam thì sẽ diễn ra việc như vụ Mỹ ném bom sông Áp-lục sát biên giới và cả vào đất Trung Quốc hồi chiến tranh Triều Tiên). Sau khi ta ký hiệp định Giơ-ne-vơ, nước ta chia làm hai miền, Trung Quốc gợi ý ta xây dựng miền Bắc trước và thực hiện trường kỳ mai phục ở chiến trường miền Nam. Ý đồ là giữ chúng ta luôn ở thế yếu thì họ mới dễ khống chế (vì ta chỉ có một nửa nước). Họ không muốn ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, trở thành một nước mạnh tuột khỏi tay Trung Quốc. Nhưng khi Mỹ đã gây hấn ném bom ra miền Bắc, đổ quân vào miền Nam thì Trung Quốc vẫn giúp ta về vũ khí trang bị, về quân nhu hậu cần để an toàn cho họ. Sau Tết Mậu Thân, khi Mỹ giao động quyết tâm, ta cũng thấy có thời cơ thương lượng, thì Trung Quốc không muốn ta đàm phán mà muốn ta “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” vừa để cho ta kiệt quệ vừa để Mỹ sa lầy phải tìm đến Trung Quốc.
Qua nhiều sự việc Việt Nam chỉ làm theo ý mình mà không làm theo ý họ, rồi các nhà máy giúp Việt Nam cái thì kém hiệu quả, cái thì bị chiến tranh làm hư hại… Trung Quốc thấy việc lấy kinh tế để điều khiển Việt Nam có vẻ không thành công họ bèn chuyển sang thời kỳ ép ta về quân sự từ hai phía hòng khiến ta phải quy phục: phía Bắc nước ta thì họ làm nhiều con đường ra sát biên giới Việt Nam, phía Nam nước ta thì họ giúp tài chính và trang bị cho Pôn-pốt để nắm vững quân bài, hình thành hai gọng kìm kẹp hai đầu đất nước ta và đồng tình cho Pôn-pốt đánh ta làm cho ta tổn thất và không yên ổn để xây dựng lại đất nước.
Trong bối cảnh như vậy, quá trình tôi làm Đại sứ ở Trung Quốc đúng là một quá trình chủ yếu là tranh cãi và đối phó. Thường xảy ra việc như thế này: Mỗi khi có đoàn đại biểu nào của Việt Nam sang Trung Quốc thì tối hôm đó, trên đài truyền hình và phát thanh của Trung Quốc đều nói đến vấn đề “chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa là không thể tranh cãi” (tức các quần đào Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam). (Đối với các đoàn từ cấp Phó thủ tướng là họ đều làm như thế). Từ khi xảy ra vụ “nạn kiều” và việc ta ký hiệp ước hợp tác hữu nghị với Liên Xô thì các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc lúc nào cũng ra rả lăng mạ “tập đoàn Lê Duẩn”. Khi tôi cho trưng bày hình ảnh Pôn-pốt đánh phá biên giới Tây Nam nước ta ở bảng thông tin của sứ quán (đặt ngoài hàng rào) từ phía Trung Quốc mời tôi lên Bộ Ngoại giao để gặp Thứ trưởng Hàn Niệm Long, ông ta lên tiếng phản đối, đòi ta phải dỡ bỏ những hình ảnh và lời tố cáo đó. Nhưng tôi lại nói: “Những việc mà tôi trưng bày ra, đó đều là sự thật, chẳng lẽ Trung Quốc lại sợ sự thật? Hơn nữa, cái bảng thông tin mà chúng tôi treo ảnh trên hàng rào Sứ quán đó là nằm trong phạm vi chủ quyền của nước tôi, tôi không dỡ bỏ”. Ông ta nói: “Trung Quốc không cho phép nước nào nói xấu nước thứ ba trong lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Tôi nói: “Đồng chí nói sai rồi, cách đây ba hôm, tôi thấy đồng chí còn giúp cho Đại sứ của Pôn-pốt họp báo nói xấu Việt Nam chúng tôi và cuộc họp báo đó có nhiều cán bộ Trung Quốc làm phiên dịch cho họ”. Nói xong tôi ra về.
Ngày đến ngày 19-5, Sứ quán ta dự định chiếu phim Hồ Chủ Tịch vào buổi tốm hôm 19-5, đúng ngày sinh nhật Người. Ta đã gửi giấy mời đến Sứ quán các nước (lúc đó ở Bắc Kinh có độ trăm Sứ quán nước ngoài) trước đó bảy ngày. Đúng buổi chiều hôm ta đã mời, Trung Quốc lại điện tất cả các Sứ quán, mời đích danh các vị Đại sứ đúng 17 giờ đến Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh để xem triển lãm về Thủ tướng Chu Ân Lai. Thong thông lệ quốc tế, bao giờ các Đại sứ cũng phải ưu tiên đối với nước chủ nhà. Thế nên cũng chiều hôm ấy, chúng tôi phải huy động toàn lực ra làm giấy mời, rời buổi chiếu phim của ta sang 18 giờ chiều tối hôm sau. Thật là vất vả với cái trò trẻ con của phía Trung Quốc!
Rồi lại rất buồn cười là dạo đó Trung Quốc bố trí hai chiếc xe ô tô con luôn luôn “chầu chực” ở hai cửa của Sứ quán ta, cán bộ sứ quán mình đi đâu nó theo đấy, ngay Đại sứ đi nó cũng đi theo.
Một lần nữa Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại mời tôi lên, đưa công hàm phản đối Chính phủ Việt Nam xua đuổi và tước đoạt “nạn kiều” Trung Quốc. Tôi nói: “Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người Việt gốc Hoa về nước đã làm lỡ cả một số công việc của chúng tôi tại nơi mà họ đang đảm nhiệm trong cơ sở sản xuất và công sở. Hơn nữa, vào năm 1953, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thỏa thuận với nhau là người Hoa ở Việt Nam được coi như công dân Việt Nam, do Việt Nam quản lý. Do đó, ở miền Bắc nước tôi đã không có Hoa kiều nữa. Vậy lẽ nào chúng tôi lại xua đuổi công dân của chúng tôi, cho dù họ là gốc Trung Quốc. Còn ở miền Nam, trong thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền, người Hoa đều đã đăng ký quốc tịch Việt Nam. Vậy cho đến nay trên cả nước Việt Nam đều không có ai là Hoa kiều nữa”. Hàn (Niệm Long) nói: “Vậy các ngài cũng công nhận chính quyền Nguyễn Văn Thiệu à?” – Rồi cuộc đối thoại cũng kết thúc.
Trong năm 1977, lại một lần nữa Trung Quốc mời tôi, cũng lại tranh cãi vấn đề Hoa kiều và người Hoa, không bên nào chịu bên nào. Sau khi đấu khẩu như vậy, Trọng Hi Đông (Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên là tướng trong quân đội) nói: “Sống hòa bình với nhau thì tốt hơn, chiến tranh thì phức tạp đấy”. Tôi nói: “Tôi cũng đã là tướng, tôi cũng biết thế nào là chiến tranh. Và chúng tôi đã thắng Pháp và thắng Mỹ”.
Một lần khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại mời tôi lên gặp một Thứ trưởng Ngoại giao. Ông ta nhờ tôi gửi công hàm về cho Chính phủ ta, đồng thời thông báo: “Do chính phủ Việt Nam bức hại Hoa kiều nên Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định đưa hai tàu Trường Lực và Minh Hoa vào cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn để đón nạn kiều của chúng tôi”. Tôi nói: “Tôi sẽ chuyển công hàm về cho Chính phủ. Nhưng trước hết tôi nói ở Việt Nam không có nạn kiều. Và Chính phủ chúng tôi còn xem xét, tàu Trường Lực và Minh Hoa có được phép vào Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh hay không đã, vì hai cảng đó thuộc chủ quyền của Việt Nam, không ai được tự tiện vào”.
Khi tôi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra về, các phóng viên báo chí quốc tế xúm lại hỏi tôi, tôi nói lại sự việc vừa rồi và nói thêm: “Cảng thành phố Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”. Sau đó các phóng viên đã đưa tin ra thế giới và tỏ ra thú vị với cách ông Đại sứ nói “cảng Việt Nam không phải là cái ao nhà của Trung Quốc”.
Ngoài những lần như vậy, còn có nhiều lần khác nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn mời tôi lên, ngoan cố vu cáo Việt Nam ta, lần nào tôi cũng phải đấu lý với họ. Về nguyên tắc, lập trường thì mình rất kiên quyết giữ vững, nhưng về thái độ mình phải đúng mực. Thường là họ phải chịu mình vì họ đuối lý.
3. Một lần tôi về nước báo cáo (lúc đó muốn về Việt Nam, phải bay từ Bắc Kinh sang Mát-xcơ-va mới bay về được Hà Nội). Ra sân bay Bắc Kinh, nhân viên sân bay muốn bắt tôi đi vào cửa kiểm tra hành lý, tôi không chịu, tôi nói: “Tôi là Đại sứ, tôi được “miễn trừ ngoại giao” theo nguyên tắc quốc tế, nên không ai được kiểm tra khám xét. Nếu các ngài ngăn cản không cho tôi đi, tôi sẽ họp báo tố cáo các ngày vi phạm công ước quốc tế”. Nhân viên sân bay chạy đi đâu đó, ý chừng là đi báo cáo thỉnh thị cấp trên. Sau đó mở cho tôi đi theo đường cửa không soát hành lý.
Lần khác, tôi cũng ra sân bay về nước, họ lại định bắt tôi đưa hành lý vào cửa kiểm soát có chiếu tia X, tôi không chịu. Họ nói đây là kiểm tra an ninh thôi mà. Tôi nói: “Kiểm tra gì tôi cũng không đồng ý, các người nghĩ tôi là không tặc à? Từ trước tới nay tôi chưa hề được biết có nhà ngoại giao nào làm không tặc cả. Nếu nghĩ tôi là không tặc, tại sao lại chấp nhận tôi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bên cạnh Chủ tịch nước các người? Tôi nói cho các người biết, là phía Trung Quốc cũng có Sứ quán ở nước tôi, mà nguyên tắc ngoại giao là đối đẳng, nếu các người cố tình kiểm tra hành lý của tôi, tôi sẽ báo cáo về chính phủ, để bên Việt Nam cũng kiểm tra hành lý của Đại sứ các người khi xuất cảnh. Mà nước tôi thì chưa có phương tiện kiểm tra hiện đại, nhân viên Việt Nam sẽ phải mời Đại sứ các người đồng ý như vậy thì hãy làm bừa đi”. Nhân viên Trung Quốc lại phải chịu lý của tôi, lại phải mời tôi đi theo cửa tự do, không kiểm tra hành lý nữa.
Có lần tôi ngồi xe có cắm cờ Việt Nam đi từ Sứ quán ta ra, đến một đoạn đường nọ, mặc dù đồng chí Quảng đang lái rất nghiêm chỉnh đúng luật, thế mà cảnh sát Trung Quốc lại thổi còi bắt dừng xe, nói rằng anh đã vi phạm luật giao thông, rồi bắt lái xe xuất trình giấy tờ. Giấy tờ đủ cả ! Đồng chí lái xe nói: “Tôi đi đúng luật, không vượt đèn đỏ, không lấn sang phần đường của xe khác?”. Rồi họ cũng phải cho đi tiếp vì không biết làm cách nào, không tìm ra cái gì để bắt bẻ nữa (chủ yếu là họ làm chậm hành trình để tôi sai hẹn với đối tác hoặc với Đại sứ nước nào đó).
Trong trường Đại học Bắc Kinh có nhiều sinh viên nước ngoài, có lần Trung Quốc đã xúi bẩy số sinh viên các nước thân Trung Quốc đến biểu tình trước Sứ quán ta. Ta đối phó việc đó bằng cách tuyên truyền vận động để họ hiểu biết sự thật, ai phải ai trái, phần lớn họ hiểu ra và thôi không tụ họp ở đó nữa. Nhưng cũng còn có 4,5 sinh viên cả trai lẫn gái còn ở lại chỗ gốc cây bên kia đường đối diện của Sứ quán ta. Tôi phải cho người đóng cửa Sứ quán vào và cử đồng chí Lê Công Phụng (lúc đó làm phiên dịch tiếng Anh) ra giải thích cho đám sinh viên đó. Vì cửa đóng sinh viên không vào được bên trong, họ ném trong bì thư (có lẽ bên trong viết nhưng nội dung phản đối Việt Nam) vào sân của Sứ quán. Đồng chí Phụng cầm phong bì ném ra, họ lại nhặt ném vào, đồng chí Phụng lại ném ra và nói: “Các bạn đã bị Trung Quốc lừa rồi, hãy về mà chăm chú học đi thôi”…
Cứ cái cách như vậy thật mệt. Sau này gặp đồng chí Ngô Thuyền, người tiền nhiệm của mình, tôi nói đùa: “Anh thì sang Trung Quốc uống rượu, tôi thì sang cãi nhau!”.
Trong thời gian quan hệ hai nước căng thẳng thì các đường đi lại giữa ta và Trung Quốc bị cắt hết: cả máy bay, tàu hỏa, điện thoại. Chúng tôi ở Sứ quán giữa Bắc Kinh mà cứ như ở đảo. Hàng ngày chỉ có hai ca liên lạc VAC, một ca buổi sáng, một ca buổi tối để liên hệ và nhận chỉ thị từ trong nước. Thành thử có nhiều việc xảy ra, chúng tôi phải tự động đối phó. Cũng vì vậy, nên mỗi lần tôi hết nhiệm kỳ Đại sứ, Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì đồng chí lại bảo: “Cứ để đồng chí Vĩnh ở đấy”. (Hơn nữa, trong tình hình khó khăn như vậy, chẳng ai muốn sang thay. Lúc ấy lương tôi chỉ được có 90 đô la một tháng, trong khi lương Đại sứ Thái Lan cùng ở Bắc Kinh là 3.000 đô la. Đến năm 1990, đồng chí Đặng Nghiêm Hoành sang làm Đại sứ ở Bắc Kinh, lương được 600 đô la một tháng. Lái xe của sứ quán Lào cũng được 400 đô la một tháng).
Do đã ở liền vài nhiệm kỳ ở Bắc Kinh, nên theo thông lệ quốc tế, tôi trở thành Trưởng đoàn ngoại giao một thời gian khá dài. Ngoại giao đoàn rất coi trọng chức trưởng đoàn đó, các Đại sứ mới đến Trung Quốc, sau khi đi chào các vị lãnh đạo của nước chủ nhà thì đều phải đến chào trưởng đoàn ngoại giao; khi tổ chức ngày Quốc khánh nước mình thì cũng đến mời trưởng đoàn ngoại giao, mà lại bố trí ngồi chỗ trang trọng nhất trước mặt mình. Khi có Đại sứ nào rời nhiệm, nếu có tổ chức gặp gỡ để chào từ biệt ngoại giao đoàn, thì cũng mời trưởng đoàn ngoại giao và trưởng đoàn ngoại giao sẽ thay mặt các Đại sứ phát biểu ý kiến tiễn biệt. Trong suốt thời gian làm Trưởng đoàn ngoại giao, tôi đã phải làm đến 60 bài diễn văn ngắn để chào mừng hoặc tiễn biệt những người đồng nghiệp. Tuy ngắn vậy thôi, nhưng cũng không phải dễ làm, bởi vì mỗi vị Đại sứ đại diện cho mỗi nước khác nhau, quan hệ với ta cũng khác nhau, 60 bài đòi hỏi phải sát hợp với những hoàn cảnh khác nhau đó. Có lần ông Đại sứ Thụy Điển đã nói với tôi: “Tôi theo dõi thấy ngài phát biểu không lần nào giống lần nào”.
Có chuyện ông Đại sứ Mỹ, khi đến nhận chức thì không đến chào tôi, nhưng khi rời chức, tổ chức gặp gỡ để từ biệt thì lại đến Sứ quán ta thông báo cho tôi là đã hết nhiệm kỳ và mời tôi đến dự. Tôi nói: “Khi ngài mới đến, hoặc là ngài còn hận Việt Nam, hoặc ngài sợ Trung Quốc nên đã không đến chào tôi. Nhưng hôm nay ngài đã đến và mời tôi tới dự buổi gặp mặt từ biệt, tôi nhận lời và sẽ phát biểu ý kiến tiễn chân ngài”. Cái khó là trong trường hợp này là, ca ngợi ông ta thì không được mà nói xấu ông ta cũng không xong. Tôi phải tìm những câu vô thưởng vô phạt để nói, cuối cùng thì cũng chức sức khỏe ông ta và gia đình, chúc ông ta lên đường gặp mọi sự may mắn. Các Đại sứ khác nghe vậy cũng thấy là được.
Mặc dù Trung Quốc lúc đó chẳng ưa gì Đại sứ Việt Nam, lại càng không ưa gì một người luôn đấu lý (và lại hay làm họ cứng họng) như tôi, nhưng cũng vì tôi làm Trưởng đoàn ngoại giao nên dịp mừng Quốc khánh của họ hay dịp các nguyên thủ các nước đến thăm mà Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi trọng thể, bao giờ họ cũng phải mời tôi ngồi bàn danh dự.
Rõ ràng phía Trung Quốc không muốn tôi làm Trưởng đoàn ngoại giao nhưng không có cách gì truất chức đó của tôi, nên lắm khi họ bày ra những chuyện nực cười, rất trẻ con để chọc phá tôi.
Cái lần đoàn ngoại giao đi thăm tỉnh An Huy của Trung Quốc, khi kết thúc hành trình, lãnh đạo địa phương tổ chức tiệc chiêu đãi tại một công viên. Trước khi vào phòng tiệc, một cán bộ ngoại giao Trung Quốc đến nói với tôi: Những lần trước ngài đã phát biểu rồi, lần này nên làm khác đi, để ông Đại sứ Tan-za-nia (người thứ hai sau trưởng đoàn) phát biểu ý kiến. Tôi nói: “Nếu không cần phải phát biểu ý kiến gì thì thôi, còn nếu có, thì theo thông lệ quốc tế, tôi sẽ phát biểu chứ không phải người khác. Nếu các ngài cố ý làm trái, tôi sẽ không dự bữa tiệc này. Vả lại tôi cũng chẳng nói xấu gì về nước các ngài”. Cán bộ Trung Quốc nói: “Sẽ không có ai phát biểu cả”. Vậy mà ngay lúc đó, phía Trung Quốc lại đi vận động ông Đại sứ Tan-za-nia phát biểu trong bữa tiệc. Nhưng ông Đại sứ Tan-za-nia nói: “Không được! Phát biểu là quyền của ông Đại sứ Việt Nam. Chỉ khi nào ông ấy ủy quyền cho tôi thì tôi mới được nói”. Trong khi các Đại sứ khác đều đi vào phòng tiệc, tôi vẫn đi ở vườn hoa chưa vào. Lúc sau, cán bộ ngoại giao Trung Quốc ra mời tôi vào ngồi ở bàn số Một, đối diện với Tỉnh trưởng An Huy. Bên cạnh tôi vẫn còn chỗ trống, thì ra ông Đại sứ Tan-za-nia cũng ngại nên vẫn loanh quanh ngoài vườn hoa chưa vào. Họ lại phải đi tìm và mời vào chố trống đó. Lúc khai tiệc, chắc theo đạo diễn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tỉnh trưởng không nói gì. Tôi vẫn chủ động đứng lên nâng cốc, cảm ơn về chuyến đi, chúc sức khỏe Tỉnh trưởng cùng Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đi cùng và tôi quay lại chúc sức khỏe các bạn đồng nghiệp. Tôi chúc xong mọi người mới bắt đầu cầm đũa.
Trong thời kỳ làm Đại sứ, thỉnh thoảng tôi có tổ chức họp báo, lúc thì để giới thiệu tình hình nước ta, lúc thì để tố cáo bọn Pôn-pốt khiêu khích đánh phá biên giới Việt Nam. Khi Trung Quốc đánh ta, tôi cũng họp báo và tố cáo rằng: “Trung Quốc đang dùng 3 sư đoàn tiến đánh Việt Nam”. Một nhà báo Mỹ đứng lên nói: “Ngài Đại sứ nói quá lên thế chứ, còn theo tình báo của chúng tôi thì đâu có nhiều quân đến thế?”. Tôi nói: “Việc chúng tôi thì chúng tôi biết hơn ai hết. Còn tình báo của các ngài thì chúng tôi cũng đã biết. Tết Mậu Thân năm 1968, quân chúng tôi vào đánh khắp nơi, đánh cả vào Sứ quán Mỹ, mà trước đó tình báo Mỹ có biết gì đâu!”. Các nhà báo cười ồ cả lên. (Đến đây tôi chợt nhớ một chuyện về ngài Đại sứ, cũng là Mỹ ở Trung Quốc: Khi đến nhận chức ở Bắc Kinh, ông ta không đến chào tôi, vì vậy sau đó mỗi khi đứng cương vị Trưởng đoàn ngoại giao có việc gì cần gửi thông báo đến các Đại sứ, tôi không gửi cho Sứ quán Mỹ và cho ông ta. Một số Đại sứ khác ở Trung Quốc thấy tôi có thái độ “tẩy chay” Đại sứ Mỹ, đã đến vận động tôi đừng làm như vậy. Nhưng tôi nói, khi đến ông ta cậy thế nước lớn không đến chào tôi, vì vậy tôi cũng không việc gì phải giao thiệp với ông ta. Không biết có phải ông Đại sứ Mỹ đã được chuyển đến tai câu nói đó của tôi hay không, mà khi tổ chức chiêu đã rời nhiệm sở, ông ta lại phải đến tận nơi mời tôi?).
4. Làm Đại sứ ở Trung Quốc trong những năm Trung Quốc cố tình khiêu khích và biến Việt Nam thành kẻ thù, đã đành là rất căng thẳng thần kinh và hao tổn thể chất; nhưng với tôi, cũng không phải là hoàn toàn chỉ có vất vả gian khổ. Cũng có những khi được “đắc ý” chứ. Ấy là niềm vui sau những cuộc đấu lý với Trung Quốc. Họ thì hùng hùng hổ hổ, đập bàn đập ghế, dùng những lời lẽ đao to búa lớn để vu cáo trắng trợn và đe dọa ta. Tôi thì vận hết “nội công” cố sức kiềm chế để không bị cuốn vào cái kiểu hùng hổ bất lịch sự, phi ngoại giao đó, để tìm những lý lẽ và ngôn từ đích đáng, đập lại họ, buộc họ phải rút dù. Sau mỗi cuộc như vậy, tôi thấy như người đánh cờ, thắng được một ván là có được một niềm vui.
Hơn nữa, cũng có những lúc mình được hưởng cái sung sướng thực sự, đó là vào những cuộc “lữ hành ngoại giao” mà phía Trung Quốc, với cương vị nước chủ nhà đã tổ chức cho đoàn ngoại giao đi chơi thăm thú các nơi phong cảnh đẹp hoặc lạ ở trên đất nước họ. Tôi nghĩ nếu không có dịp làm Đại sứ thì đã mấy khi mình được du lịch không mất tiền nhiều như vậy?
Năm 1974, khi mới sang Trung Quốc, tôi được đi chuyến “lữ hành ngoại giao” thăm Côn Minh, đó là một thành phố đẹp và loại nhất của Trung Quốc, thuộc tỉnh Vân Nam sát với Việt Nam ta. Côn Minh còn được người Trung Quốc gọi là “Xuân Thành” vì khí hậu rất tốt, quanh năm mát mẻ như mùa xuân. Ở Côn Minh có rất nhiều phong cảnh đẹp và kỳ lạ như Thạch Lâm, Hồ Điền Trì, Ôn Tuyền v.v… rất nhiều chùa chiền đẹp và khuôn viên rộng lớn, sạch sẽ. Vì Côn Minh ở độ cao trên 1.500m nên người dân lúc nào cũng mặc áo len, trông lại càng nhiều màu sắc bắt mắt, ở đây cũng lưu truyền câu nói “nhất vũ thành đông” (tức là hễ có một trận mưa là rét như mùa đông). Ở đây có hai vị thuốc quý là đông trùng hạ thảo và tam thất (ở Vân Nam trồng thì gọi là Điền thất, Điền thất là thứ tam thất hàng đầu của Trung Quốc). Ở Côn Minh, chúng tôi được thưởng món đặc sản “bún qua cầu” rất lạ. Một sợi bún dài như vô tận được cho đi qua một bát nước dùng mà trên mặt có váng mỡ để giữ cho được nóng lâu. Người ăn cứ việc hút sợi bún đó mà ăn đến no thì dừng lại. (Phải mở ngoặc là lúc đó Trung Quốc còn chưa trở mặt với ta, tôi còn được vợ đồng chí Lý Thế Thuần đưa đi và làm phiên dịch – Khi tôi đã nghỉ hưu, đồng chí Lý Thế Thuần làm Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội).
Năm 1975, tôi lại được cùng đoàn ngoại giao đi Tân Cương, đó là nơi biên giới xa xôi, giáp với Liên Xô. Ở đây cuộc sống và phong tục rất khác lạ. Họ cho ăn thịt cừu và uống sữa ngựa. Thứ sữa đó mùi vị như bia, uống vào thấy hơi say say, họ nói chỉ có khách quý mới được uống, còn thì chỉ dành cho bệnh viện, nhất là cho người bị bệnh lao. Ở Tân Cương có giống dưa lưới và đào bẹt (gọi biển đào), ăn cực ngon. Chúng tôi đến Tân Cương đúng vào mùa đào chín, họ cho vào vườn tha hồ hái, ăn chán thì thôi. Chúng tôi cũng gặp nhiều người dân địa phương ở đây, họ ăn mặc rất rực rỡ, đàn ông thì cao lớn, phụ nữ thì xinh đẹp như tiên, trông họ có vẻ như lai Á lai Âu, nét mặt thật sáng sủa.
Năm 1976, lại được đi chơi núi Thái Sơn (thuộc tỉnh Sơn Đông). Mặc dù không phải núi cao và lớn hàng đầu của Trung Quốc, nhưng Thái Sơn (cao 1.500m so với mặt nước biển) lại rất nổi tiếng, đã đi vào câu nói hàng ngày và văn thơ của Trung Quốc. Ở Trung Quốc người ta thường nói “có mắt mà không nhìn thấy Thái Sơn” hoặc “nặng như Thái Sơn”… Ngay cả trong thơ ca Việt Nam cũng có câu “Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” v.v… Phong cảnh ở đây rất đẹp, y như trong tranh thủy mặc ở Trung Quốc vậy. Và rất tự hào là trong chuyến đi đó, cả đoàn ngoại giao, chỉ có tôi và hai vợ chồng ông Đại sứ Hung-ga-ri là trèo được mấy ngàn bậc đá lên tận đỉnh Thái Sơn, đứng đó để ngắm ra tận biển Đông của Trung Quốc được xem mặt trời mọc từ biển lên rất hay. Tận trên đỉnh cao như vậy mà người Trung Quốc từ xưa đã xây được lâu đài đình các nguy nga, kể cũng đáng nể.
Năm 1980, sau khi Trung Quốc đã gây hấn đánh Việt Nam rồi, nhưng vì vẫn có chuyến “lữ hành ngoại giao” và vì tôi là Trưởng đoàn nên họ phải mời tôi cùng đoàn đi chơi tỉnh An Huy, thăm thắng cảnh Hoàng Sơn, cũng là một trong những cảnh đẹp hàng đầu của Trung Quốc, có nhiều cây thông cổ thụ mọc trên vách đá cheo leo, đủ hình đủ thế, theo đường núi lên đến đỉnh thì thấy đền đài cổ kính, xây cất rất đẹp và công phu. Từ cổ xưa, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã hay tìm những nơi có cảnh thiên nhiên đẹp, cho xây dựng lên những công trình tráng lệ và cũng may cho đất nước Trung Quốc là ít bị chiến tranh tàn phá nên bây giờ các công trình còn lại khá nhiều.
Thông thường đoàn ngoại giao đi đến tỉnh nào thì Tỉnh trưởng ở đó tiếp đón và khi kết thúc chuyến đi thì Tỉnh trưởng lại đãi tiệc. Trước bữa tiệc, sau khi Tỉnh trưởng phát biểu thì đến Trưởng đoàn ngoại giao thay mặt các Đại sứ đọc đáp từ. Thời kỳ quan hệ hai nước đang căng thẳng thì tôi làm Trưởng đoàn ngoại giao, khi nói đều phải tránh không ca ngợi lãnh đạo và thành tích của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, chỉ ca tụng cảnh đẹp của địa phương, sự đón tiếp của những nơi đoàn đến thăm, các sản vật quý của địa phương, chúc sức khỏe các vị lãnh đạo địa phương để lãnh đạo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân trong địa bàn… (Riêng lần đi An Huy này thì có chuyện buồn cười như đã thuật ở phần trên).
Thời gian ở Bắc Kinh, tôi cũng tạo được điều kiện cho vợ chồng Minh Hà (con gái thứ 3 lấy chồng người Đức là Verner) từ Đức sang thăm Trung Quốc. Và một lần từ Trung Quốc bay sang Mát-xcơ-va, tôi và bà xã cũng tranh thủ đi xe lửa sang chơi bên Đức, thăm nhà con gái.
Cũng nhờ việc làm Đại sứ ở Bắc Kinh nên tôi còn được biết cả thủ đô các nước Triều Tiên, Ap-ga-nit-xtan, Pa-kit-xtan nữa.
Vào mùa hè năm 1977, có Hội nghị quốc tế về nông nghiệp do Triều Tiên đăng cai. Bên nước điện sang cử tôi và anh phiên dịch tiếng Anh đi dự, vì vậy có dịp thăm quan thành phố Bình Nhưỡng thủ đô Triều Tiên. Thành phố đó không gọi là lớn nhưng rất đẹp, các công trình kiến trúc cũng đẹp, có vẻ phô trương, đồ sộ. Ví dụ có một nhà hát chỉ độ 500 chỗ nhưng khuôn viên khá lớn và trang trí rất lộng lẫy. Đường phố hai bên trồng toàn cây ngô đồng, đang mùa hè nên lá rất xanh tốt. Tôi được ăn một bữa tiệc ngồi cùng bàn với ông Kim Nhật Thành và lần đầu tiên được biết món “kim chi” nổi tiếng của Triều Tiên, rất ngon.
Một lần tôi đi tháp tùng đồng chí Nguyễn Duy Trinh (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) đi thăm Ap-ga-nit-xtan, đến thủ đô Ca-bun, thật tiếc là thủ đô đó chẳng gây cho mình ấn tượng và cảm xúc gì. Sau khi đi thăm Ap-ga-nit-xtan (lúc đó có chính quyền thân Liên Xô), đoàn sang thăm Pa-kit-xtan nhưng chẳng được việc gì, họ đối xử rất nhạt nhẽo vì họ đang theo Trung Quốc, mâu thuẫn với Ap-ga-nit-xtan. Ở Pa-kit-xtan không được uống bia rượu và ăn thịt lợn, vì nước đó theo đạo Hồi. Pa-kit-xtan lúc đó rất nghèo và phụ thuộc Trung Quốc. Có một con đường lớn nối từ thủ đô Is-la-ma-bat đến Trung Quốc men theo sườn dãy Hi-ma-lay-a, được biết là do Trung Quốc làm giúp. Thành phố Ca-ra-si, nơi có sân bay quốc tế, gọi là lớn nhưng lúc đó cũng rất lèo tèo.
Có một việc dường như cả những người thân cũng ít biết đến, đó là thời gian tôi được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, thì cũng kiêm luôn cả chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam ở Pa-kit-xtan. Khi bay từ Bắc Kinh sang Is-la-ma-bat, qua dãy Hi-ma-lay-a nóc nhà thế giới, nhìn thấy tuyết phủ dày trắng, mấy người cũng đã nói đùa với nhau: giá mà rơi xuống đây thì đố có ai tìm được! Đến thủ đô Pa-kit-xtan tôi phải đi trình quốc thư; rất ấn tượng với nghi lễ của nước này: họ cho xe song mã, có lính bồng súng rất trang trọng và rất oai đến đón. Đại sứ được ngồi xe song mã, đằng sau có 6 người lính cưỡi ngựa cầm giáo hộ tống vào phủ Tổng thống.
Lại nói chuyện về đi lại ở Trung Quốc, ngoài những chuyến đi với đoàn ngoại giao, còn có một chuyến đi đáng nhớ nữa. Đó là chuyến đi theo đường sắt Côn Minh – Thành Đô vào năm 1977. Dạo đó ở thành phố Côn Minh, ta có một cơ quan Tổng lãnh sự, lại có khá đông các gia đình Việt kiều. (Số bà con đó trước làm thợ hỏa xa phục vụ đường sắt Hải Phòng – Côn Minh từ thời Pháp, sau ở lại Côn Minh). Vì vậy tôi có xuống thăm cơ quan và bà con. Bình thường xuống Côn Minh, tôi vẫn đi theo đường xe lửa phía Đông, từ Bắc Kinh qua Trịnh Châu, Vũ Hán, Trường Sa, Quý Dương rồi đến Côn Minh và ngược lại. Đồng thời, theo quy định của Trung Quốc thì khách nước ngoài muốn mua vé xe lửa phải mua qua “lũ hành xã” (kiểu như du lịch quốc doanh bên ta) mới được. Những lần đó không hiểu sao anh em ở cơ quan Lãnh sự quán lại tự đi mua được vé, mà lại mua được vé theo con đường phía Tây. (Tức đường từ Côn Minh đến Thành Đô rồi qua Tây An, Thái Nguyên về Bắc Kinh). Tôi cũng thích đi theo con đường đó vì chưa đi lần nào, hơn nữa lại nghe nói rất nhiều về việc hoàn thành đoạn đường Thành Đô – Côn Minh mới làm, Trung Quốc coi là thắng lợi lớn vì đoạn đó rất khó thi công… Tôi đi cùng hai đồng chí Bí thư ở Sứ quán. Trên đường, qua quan sát thì thấy quả là “danh bất hư truyền”, không thể không ngạc nhiên thán phục công trình hoành tráng như thế. Xe lửa phải đi trên sườn núi đá dài rất hiểm trở, vì vậy có nhiều hầm tuy-nen chui qua núi, nhiều cầu cạn chênh vênh bắc giữa hai ngọn núi và nhiều đoạn leo đèo dốc quanh co. Có đoạn qua sông Kim Sa nổi tiếng hung dữ (đã được nhắc đến trong truyền thuyết thày trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đi Tây Trúc lấy kinh). Trên tàu, chúng tôi vô tư dùng tiếng Việt nói chuyện với nhau nên đã gây chú ý cho nhân viên xe lửa Trung Quốc, có lẽ vậy họ mới đi gọi điện báo cho người ở đâu đó. Một lúc sau, thấy hai nhân viên ăn mặc sắc phục đường sắt đến ngồi bắt chuyện với chúng tôi. Khi đến Thành Đô, họ nói: “Xe lửa bị hỏng, đề nghị các vị xuống phòng đợi”, họ xách hộ hành lý cho chúng tôi. Sau đó họ nói tầu bị nghẽn còn lâu mới sửa xong. Họ đưa chúng tôi vào một khách sạn trong Thành Đô. Ngày hôm sau chúng tôi đường dẫn đi xem thành phố, được thăm nhà lưu niệm thi hào Đỗ Phủ. Tối về họ nói: “Thôi các vị phải đi máy bay về Bắc Kinh thôi”. Tôi nói: “Chính phủ chúng tôi cấp tiền có hạn, không đủ tiền mua máy bay”. Họ nói, sẽ giúp đòi lại tiền tàu của cơ quan đường sắt để các vị mua vé máy bay. Tôi nói, dù có lấy lại được thì số tiền đó cũng không đủ mua vé máy bay, chúng tôi còn nghèo, phải tiết kiệm. Chúng tôi sẽ đợi đến bao giờ xe lửa thông thì chúng tôi sẽ về Bắc Kinh. Không còn cách nào, cuối cùng họ phải nói thẳng: “Tuyến đường xe lửa này, Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không cho phép người nước ngoài đi”. Lúc này chúng tôi mới biết họ là công an mật đã lên kèm chúng tôi từ giữa đường đến Thành Đô. Sau đó phía Trung Quốc phải bỏ tiền lấy vé máy bay cho đoàn chúng tôi về Bắc Kinh. Thì ra đường sắt Thành Đô – Côn Minh mà Trung Quốc cố làm cho bằng được đó là con đường chiến lược bí mật của họ. Năm 1979 khi Trung Quốc tấn công ta thì cũng có một cánh quân xuất phát từ Đại quân khu Thành Đô vào đánh ta ở hướng Lào Cai. Ta bắt sống được một Đại đội, họ khai rằng, họ là quân của sư đoàn 150, quân đoàn 50 thuộc Đại quân khu Thành Đô, được chở bằng xe lửa từ Thành Đô đến biên giới Việt Nam qua Côn Minh.
5. Khoảng cuối năm 1985 (tức cuối kỳ làm Đại sứ), bỗng nhiên tôi bị những cơn tim đập nhanh (140 nhịp một phút), phải đến bệnh viện Trung Quốc để khám. Nhưng đi đến giữa đường thì cơn tim đó lại dừng nên đến bệnh viện khám không thấy gì. Lần thứ hai cũng vậy, lần thứ ba thì cùng với cơn tim đập nhanh lại kèm theo sốt nhẹ, tôi phải vào nằm viện để điều trị. Bệnh viện cũng làm đủ mọi động tác xét nghiệm cần thiết như: đo điện tim, siêu âm tin phổi thận, rửa ruột, xét nghiệm máu, soi dạ dày v.v… Sau một loạt khám nghiệm cẩn thận như thế mà họ cũng chỉ kết luận được là “tim đập nhanh đậu tính kèm theo sốt”. Tôi đề nghị điều trị theo cách Đông – Tây y kết hợp. Họ chấp nhận nên hàng ngày cho thuốc viên đồng thời sắc thuốc bắc cho tôi. Họ bố trí tôi nằm riêng một phòng có điều hòa nhiệt độ và mắc vào người tôi những dụng cụ để theo dõi nhịp tim thường xuyên, có màn hình hiện lên trước mặt, nằm ở giường cũng có thể trông thấy. Hễ hơi động cựa mình hoặc dãy chân một tý là màn hình hiện lên con số 150 nhịp/ phút ngay. Về ăn uống bệnh viện cũng lo rất khá, 5 bữa một ngày. Sáng sớm thì bánh bao hoặc sủi cảo, giữa buổi uống sữa, trưa ăn cơm, 2-3 giờ chiều ăn bánh ngọt hoặc hoa quả, tối ăn cơm. Điều trị được ba, bốn ngày, bệnh tim vẫn không chuyển biến. Thế là lại phải nhịn ăn, lấy máu xét nghiệm, lại rửa ruột… vẫn không tìm ra nguyên nhân gì. Rồi đến một lúc tôi không ăn được, không ngủ được, thỉnh thoảng lại còn bị cảm (sau mới biết là nằm trong phòng có điều hoà nhiệt độ thường xuyên, tôi không quen nên mới bị cảm lạnh). Tình hình cứ thế kéo dài, tôi ngày càng gầy sút, chân tay trở nên uể oải không có lực. Đến nỗi việc tắm rửa cũng không tự mình làm được, phải nhờ anh em trong Sứ quán mình vào tắm giúp. Rồi đến lúc giơ tay lên đánh răng rửa mặt cũng thấy mỏi rã ra. Sau một tháng tôi sút mất 10 cân, chân tay lẩy bẩy, đi lại phải vịn, phải lần. Tôi nghĩ nếu cứ nằm đây thì sẽ suy sụp đến chết mất. (Trong khi đó ở Sứ quán, anh em đã họp bàn với nhau, nói đến việc nếu Đại sứ chết thì chôn ở Bắc Kinh hay đưa thi hài về nước). Tôi nói với bệnh viện là mình đỡ rồi, xin về Sứ quán chữa ngoại trú, tôi không dùng máy điều hoà nhiệt độ, chỉ dùng quạt ở mức nhẹ nhất, cho quay đi quay lại phe phẩy thôi. (Ngoài trời lúc đó đang là nóng nhất trong năm). Về ăn uống thì chú Quế (nấu cơm cho tôi đã lâu năm rất tận tình) thường đi mua thịt bò về làm cho chín tái đi rồi ép lấy nước cho tôi, hoặc chú nấu cháo gà cho, nhưng tôi vẫn chỉ ăn được một chút. Tôi thấy ngủ được hơn trong bệnh viện và uống được chút nước thịt cũng hấp thu tốt hơn. Hàng ngày tôi vào bệnh viện cho họ bắt mạch và cắt thuốc bắc về uống, vì hàng ngày vẫn còn sốt âm ỷ. Tôi xem đơn thuốc họ kê cho thì thấy trong đó có nhiều vị tác dụng tư âm thanh nhiệt, lần nào cũng thế. Từ trước tôi đã có mua và đọc nhiều sách thuốc của Trung Quốc, đã có chút hiểu về Đông y; vì vậy khi đọc đơn thuốc đó, tôi suy nghĩ: đã tư âm thanh nhiệt mãi mà không khỏi sốt, ắt trong người phải có chỗ viêm nhiễm nào đấy (mà có thể nó chưa đủ lớn để thày thuốc phát hiện được). Tôi nhờ anh Bảng phiên dịch tiếng Trung Quốc ra hiệu thuốc mua cho vị kháng sinh thực vật là bồ công anh, kim ngân hoa vàliên kiều về bỏ vào thang thuốc của bệnh viện sắc uống trong ba ngày. Uống xong ba ngày thì hết sốt, sau đó tôi thấy trong người ngày càng khá hơn lên, dần dần ăn được ít cơm. Tuy vậy người vẫn còn yếu. Tôi định rủ bà xã về nước (tôi nghĩ nếu có chết thì chết trong nước cho khỏi phức tạp, phiền hà đến cơ quan, tổ chức). Vừa lúc đó, chị Lan bác sĩ của Sứ quán lại phát hiện bà xã tôi bị vàng da, vàng mắt; đưa đi bệnh viện khám thì ra viêm gan cấp tính, phải nằm viện chuyên khoa cách ly điều trị một tháng. Khi bà xã tôi khỏi bệnh ra viện, chúng tôi cùng rời Bắc Kinh về nước. Khi ra sân bay, bác sĩ của Sứ quán vẫn phải đưa tôi đến tận chân thang máy bay. Về đến Hà Nội, bác sĩ của Bộ Ngoại giao ta phải ra tận máy bay đón tôi. Khi tôi có việc lên Bộ Ngoại giao, chỉ có thể đứng dưới nhắn người của vụ Trung Quốc xuống mà gặp. Tôi không còn đủ sức trèo lên tầng ba để làm việc. May mắn là tôi có đem về được hai hộp bột tam thất Vân Nam (là thứ tốt nhất hồi đó, ở Việt Nam hầu như không thể kiếm được). Tôi uống bột tam thất, đồng thời động viên bà vợ cùng ăn gạo lứt để chữa bệnh. Kiên trì ngày một bữa gạo lứt trong hơn hai tháng thì sức khoẻ tôi đã hồi phục như bình thường.
Người ta nói “trong cái rủi có cái may”, bị một trận ốm thập tử nhất sinh ở Bắc Kinh như trên đã nói, rõ ràng là chẳng ai muốn, nhưng qua trận ốm đó tôi lại học được nhiều việc, tôi trở nên chú ý suy ngẫm, rút kinh nghiệm về bảo vệ sức khỏe và thêm hứng thú đi sâu nghiên cứu Đông y hơn. Sau này khi có điều kiện, tôi đã mầy mò nghiên cứu học hỏi cho có bài bản và trở thành thày lang của gia đình, chữa được nhiều bệnh cho vợ con, cháu chắt, bạn bè…
Cái thời những năm 80 thế kỷ trước, ở trong nước mọi thứ hàng hóa đều khan hiếm. Mỗi lần về nước là cán bộ nhân viên Sứ quán ta đều tranh thủ mua các thứ hàng tiêu dùng đem về, kỳ cho hết tiêu chuẩn trọng lượng hàng được phép theo quy định của hàng không mới thôi. Chú Quế đầu bếp của tôi cũng vậy, mua cả táo tàu (thứ táo nhỏ của Tàu sấy khô, quả nhăn nheo màu đỏ nâu hoặc đen) đem về ngâm vào phích nước nóng để uống. Một hôm chú khoe với tôi: “Cái ruột phích của em ngâm táo tự nhiên lại sáng choang như mới”. Nghe vậy, tôi bèn nghĩ: có lẽ trong táo tàu có chất a-xít gì đánh tan được cặn can-xi bám trong ruột phích nước. Rồi một lần về nước tôi cũng mua theo mấy cân táo tàu, về qua Thái Lan, ngủ ở nhà khách Sứ quán ta ở Băng-cốc cùng với một đồng chí cán bộ của ta cũng đi qua, tôi đem táo tàu mời đồng chí đó ăn. Đồng chí nói: “Trước đây tôi bị sỏi thận, có người bạn cũng cho tôi một cân táo tàu. Sau khi ăn ít hôm thì thấy đau bụng dưới nhiều, hai ba hôm mới khỏi”. Tôi hỏi: “Từ đó đến nay anh còn thấy đau nữa không?”. Đồng chí nói không. Thế là liên hệ việc này với việc cái ruột phích của chú Quế, tôi phát hiện ra rằng trong táo tàu có chất làm tan sỏi can-xi, khi ăn táo tàu nó bào mòn viên sỏi làm sỏi nhỏ đi đến mức có thể bài tiết ra ngoài qua đường niệu, trên đường đi ra, nó chà xát vào niệu quản làm đau. Đến lúc đồng chí Bảng được điều sang làm phiên dịch cho tôi thay một đồng chí khác đã hết nhiệm kỳ. Gặp tôi, Bảng nói: “Em bị sỏi thận đang điều trị thì Bộ bắt sang đây”. Tôi bảo Bảng ra ngoài hiệu thuốc mua lấy một cân rưỡi táo tàu, hai buổi, buổi sáng chiều trước bữa cơm đều ăn lấy một vốc. Mấy hôm sau Bảng nói với tôi: “Em có cảm tưởng sỏi nó đi đến gần xương cụt rồi”. Vài hôm sau nữa thì sỏi ra ngoài. Từ đó trở đi Bảng không bị đau thận nữa. Thế là chắc chắn “phát hiện” được thứ thuốc vừa ngon vừa lành là táo tàu nên dùng đủ liều lượng thì có thể làm tan sỏi can-xi trong thận!
Tôi nghĩ, 13 năm ở Bắc Kinh, vừa phải đấu tranh căng thẳng với Bộ Ngoại giao Trung quốc, vừa phải chống đỡ bệnh tật, nếu mình không đọc sách và biết về thuốc, cứ phó thác thân mình cho các giáo sư bác sĩ ở bệnh viện Bắc kinh thì có lẽ đã chết từ lâu rồi. Tự mình cứu mình nên đã sống thêm được vài chục năm nữa. Vào năm 1985, sau khi quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đã bình thường hoá trở lại, Hiệp hội Ngoại giao Trung Quốc đã mời tôi với đồng chí Ngô Minh Loan, đồng chí Nguyễn Minh Phương là ba Đại sứ cũ ở Trung Quốc sang thăm nước họ. Tôi lại làm Trưởng đoàn, Đại sứ Lý Thế Thuần lại hỏi tôi muốn đi thăm nơi nào? Tôi nói tôi đi thăm đã gần hết các tỉnh của Trung Quốc, chỉ còn Hàng Châu và Thâm Quyến là chưa được đi. Hiệp hội Ngoại giao đã đáp ứng một cách nhiệt tình mấy nguyện vọng của tôi, mời cả đồng chí Hứa Pháp Thiện (tên Việt Nam là Thanh) vốn là cố vấn của Cục Tổ chức chúng tôi trong kháng chiến chống Pháp đến dự buổi chiêu đãi của họ (trong bữa tiệc có cả Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đến dự). Cuộc gặp rất vui vẻ. Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng có buổi tiếp chúng tôi. Sau đó Hiệp hội cử một nữ Trưởng phòng là Trịnh Nại Linh tháp tùng chúng tôi đi thăm quan các nơi như Hàng Châu, Thâm Quyến. Đi đến đâu họ cũng bố trí cho chúng tôi ở khách sạn 5 sao, riêng tôi được bố trí ở phòng VIP bằng tiêu chuẩn Phó thủ tướng có phòng ngủ, phòng khách riêng. Ở địa phương nào cũng có Phó tỉnh trưởng đến tiếp đón. Tôi thấy chỉ mới cách 8 năm thôi mà Trung Quốc thay đổi ghê gớm. Thâm Quyến xưa chỉ là bãi đất hoang mà nay trở thành một thành phố hiện đại hoàn chỉnh. Trong thành phố có một công viên rất rộng lớn gọi là tiểu Trung Hoa, họ xây dựng tất cả các danh lam thắng cảnh (thu nhỏ) tiêu biểu của các tỉnh Trung Quốc (ví dụ trong đó có Cố Cung, Trường Thành, Tây Hồ, Thái Hồ…). Còn Quảng Châu, Bắc Kinh tựa hồ như đã lột xác, trở thành những thành phố tráng lệ sầm uất gấp hàng chục lần so với lúc tôi làm Đại sứ.
Khi tôi đã thôi nhiệm vụ Đại sứ về nước, thì ở Việt Nam, Trung Quốc đã lần lượt thay mấy đời Đại sứ: Lý Thế Thuần, Trương Đức Duy, Lý Gia Trung, Tề Kiến Quốc đến Hồ Càn Văn. Họ đều biết tôi từ khi họ còn là các cán bộ phiên dịch của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã dịch cho quan chức ngoại giao Trung Quốc “đấu đá” với tôi. Vì biết tôi là Đại sứ kỳ cựu nên mỗi khi có dịp chiêu đãi nhân Quốc khánh Trung Quốc hay nhân dịp kỷ niệm thành lập quan hệ ngoại giao hai nước, họ đều nhớ mời tôi.
Năm 1987, tôi được chính thức cho phép rời Sứ quán ở Bắc kinh sau khi đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ Đại sứ dài dặc nhất trong lịch sử các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài: mười ba năm. Nghỉ ngơi trong một thời gian thì Bộ Ngoại giao yêu cầu tôi viết Hồi ký 13 năm làm Đại sứ ở Trung Quốc. Tôi đã viết xong và nộp cho Bộ Ngoại giao. Đến năm 1990 thì thực sự nghỉ hưu.
Khi về nước được hai năm, tôi gặp một đồng chí quan lúc đó là cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí hỏi: “Anh được tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1987, anh đã nhận được chưa?”. Tôi bảo tôi không biết gì! Ban Tổ chức Trung ương bèn hỏi bên Bộ Ngoại giao. Thì ra Vụ Tổ chức Bộ Ngoại giao đã nhận, đem cất đi rồi quên mất (!) Vì vậy cho nên mãi đến năm 1990 trước khi tôi nghỉ hưu, Bộ Ngoại giao mới mời tôi lên. Đồng chí Bộ trưởng trao huân chương cho tôi và tặng một số tiền kèm theo là 100.000 đồng trong cuộc họp mặt có đông đủ cán bộ từ Vụ trưởng, Vụ phó trong Bộ. Lúc đó tôi mới tức cảnh làm bốn câu thơ:
“Vừa rồi được tấm Huân chương
Xa xôi nó phải đi đường hai năm
Bộ Ngoại giao tặng thêm một trăm
Đủ tiền làm một bữa nem ăn mừng!”.
Như vậy, năm 1990 đã kết thúc một quãng đời quan trọng của tôi mà tôi gọi là “thanh niên ba sẵn sàng”. Tôi luôn sẵn sàng chấp hành mọi sự điều động của Đảng, Nhà nước, không tính toán thiệt hơn, không hề có đề nghị, yêu cầu gì, nhận được mệnh lệnh là lên đường đi làm nhiệm vụ thậm chí không đợi cả làm đủ giấy tờ thủ tục, chẳng ngại sự thiệt thòi về lương bổng, về chế độ đãi ngộ, về nhà cửa. Với việc nào, tôi cũng chỉ đinh ninh một điều là làm sao cho tốt nhất so với năng lực của mình. Trong thời gian từ khi kết thúc kháng chiến chống Pháp đến năm 1990, tôi được phân công làm nhiều công tác như đã thuật ở trên, nhưng có thể nói có hai việc lớn và làm thời gian dài nhất là làm Cố vấn cho Bạn Lào và làm Đại sứ ở Trung Quốc (tổng cộng hơn 20 năm) và cũng là hai việc tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn cả và về cơ bản có thể nói là “đã đạt yêu cầu”. Vì vậy, tôi có thể mượn lời của con gái Nguyên Bình trong câu đối nôm na nó viết tặng tôi nhân buổi mừng sinh nhật 80 tuổi để làm câu kết cho câu chuyện đi sứ nước người của tôi:
Làm Cố vấn miền Tây, ghi lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”*, luôn nhớ chữ “chủ quyền của bạn”.
Đi Đại sứ nước Tàu, theo ý Đảng, chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”.
*Trước khi đi Lào nhận nhiệm vụ mới (làm Trưởng đoàn cố vấn giúp Lào – cuối 1964), Hồ Chủ tịch cho gọi ông Nguyễn Trọng Vĩnh tới ăn cơm và dặn dò một số điều. Người nói vui với Nguyễn Trọng Vĩnh: “Chú sang bên ấy, chú có ý kiến gì thì chú góp với Bạn để Bạn làm, chú không được làm thay và chú không được làm “Lão toàn quyền” đấy nhé!” – Chú thích của Bà Nguyễn Nguyên Bình, con gái Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh.


Hồi ký Nguyễn Trọng Vĩnh 




No comments:

Post a Comment