Monday, March 9, 2015

Bảy người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Sheena McKenzie
Athena chuyển ngữ
(CNN) – Dưới đây là danh sách những người phụ nữ đã để lại dấu ấn trên toàn thế giới, góp phần thay đổi suy nghĩ của nhân loại trong hàng thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ tới.
Họ đã viết nên những cuốn sách cách mạng hóa góc nhìn của nhân loại về xã hội, có thành tựu khoa học làm thay đổi ngành y; và mang đến những luật lệ làm thức tỉnh giới quyền uy.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, chuyên mục Những người phụ nữ tiên phong sẽ nhìn lại bảy trong số rất nhiều phụ nữ trong lịch sử đã từng làm thay đổi cả thế giới.

1. Harriet Beecher Stowe, nhà văn và là nhà hoạt động chống lại nạn nô lệ


Tác giả của cuốn sách bán chạy nhất năm 1852 “Túp lều của bác Tom” là người đã phổ biến rộng rãi phong trào bài nô lệ tại Mỹ.
Có giai thoại kể lại rằng tổng thống Abraham Lincoln đã chào đón bà Beecher Stowe tại Nhà Trắng bằng câu nói: “Vậy ra đây là người phụ nữ nhỏ bé đã viết nên cuốn sách gây ra những cuộc tranh cãi lớn lao.”
Cuốn sách của bà viết về cuộc đời của bác Tom, một người nô lệ da đen. “Túp lều của bác Tom” là cuốn sách bán chạy thứ hai trong thế kỷ 19, chỉ sau kinh Thánh.

2. Emmeline Pankhurst, lãnh đạo phong trào đòi quyền bỏ phiếu cho phụ nữ


Nhà hoạt động người Anh Emmline Pankhurst (đứng giữa) và con gái Christabel Harriette (đứng thứ ba từ trái sang) nhận được sự cổ vũ từ những người ủng hộ sau khi được ra khỏi tù vào năm 1908
Nhà hoạt động Emmeline Pankhurst đã thành lập Hội Liên hiệp Xã hội và Chính trị của Phụ nữ (viết tắt là WSPU), được biết đến là một nhóm cực đoan với các hoạt động như tuyệt thực hoặc xếp thành những hàng rào chắn để biểu tình.
“Chúng ta đứng đây không phải vì chúng ta là những kẻ phá vỡ luật lệ, chúng ta đứng đây trong một nỗ lực sẽ trở thành những người viết luật,” bà nói trong phiên tòa sơ thẩm năm 1908.
Điều đáng buồn là Pankhurst đã không bao giờ chứng kiến giấc mơ của bà trở thành hiện thực. Bà đã qua đời 3 tuần trước khi dự luật cho phép phụ nữ có quyền bỏ phiếu như đàn ông được thông qua.

3. Anne Frank, tác giả cuốn nhật ký về nạn diệt chủng


Chân dung của Anne Frank được đặt trước đài tưởng niệm của bảo tàng về nạn diệt chủng đầu tiên của châu Âu tại Budapest
"Điều gì đã được làm thì không thể cứu vãn được, nhưng chúng ta có thể ngăn cản điều đó xảy ra một lần nữa" -- Trích cuốn "Nhật ký của một cô gái trẻ" của Anne Frank.
Sự thông minh và hóm hỉnh của nữ sinh người Do Thái 13 tuổi đã được thể hiện trong cuốn nhật ký của cô, được viết trong khi đang lẩn trốn tại Amsterdam trong cuộc thế chiến thứ hai. Đây là một trong những cuốn sách được đọc nhiều rất với hơn 30 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới.
Câu chuyện về cuộc đời của Anne dưới sự chiếm đóng của quân Đức là bản ghi chép được dịch ra 67 thứ tiếng và được chuyển thành phim và cả kịch, nhà của cô bé cũng trở thành bảo tàng.
Anne Frank đã qua đời trong trại tập trung Bergen – Belsen năm 1945, vài tuần trước khi nơi này được giải phóng

4. Simone de Beauvoir, triết gia và tác giả cuốn sách “The Second Sex”


Cuốn sách bán chạy nhất “The Second Sex” của Simone de Beauvoir được xem là văn kiện quan trọng trong triết học về nữ quyền.
Cuốn sách “The Second Sex” xuất bản vào năm 1949 của nhà triết học hiên sinh người Pháp Simone de Beauvoir đã trở thành một tác phẩm quan trọng trong vấn đề nữ quyền.
Nó đã phân tích cách hành xử và nhận thức của phụ nữ trong suốt quá trình lịch sử, gây nên rất nhiều cuộc tranh cãi và bị tòa thánh Vatican đưa vào mục sách cấm.
“Tất cả sự đàn áp đều tạo ra chiến tranh; điều này cũng không ngoại lệ,” bà De Beauvoir nói. Bà cùng với cộng sự Jean Paul đã trở thành một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.

5. Sosalind Franklin – nhà khoa học giúp nhân loại hiểu về cấu trúc của ADN


Hình ảnh Rosalind Franklin đang làm việc tại một phòng thí nghiệm ở Luân Đôn. Đóng góp của bà vào việc giúp mọi người hiểu về cấu trúc của ADN bây giờ mới được thừa nhận, còn tại thời điểm đó thì không.
Nghiên cứu của nhà hóa học và nhà tinh thể học tia X người Anh Rosalind Franklin đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện cấu trúc của phân tử ADN.
Bức ảnh tia X về chuỗi xoắn kép của bà đã đươc 3 nhà khoa học Francis Crick, James Watson và Maurice Wilkins sử dụng. Năm 1962, 3 nhà khoa học này đã được trao giải Nobel về Sinh lý học và Y học cho công trình của họ về mô hình ADN.
Tuy nhiên bà Franklin đã không giành được giải Nobel nào cho mình. Bà qua đời năm 1958 ở tuổi 37 vì căn bệnh ung thư buồn trứng.

6. Billie Jean King, huyền thoại quần vợt 37 lần vô địch giải Grand Slam


Huyền thoại Billie Jean King tại giải vô địch Wimbledon năm 1967
Huyền thoại người Mỹ Billie Jean King là một trong những tay vợt xuất sắc nhất của giải Wimbledon với việc mang về nhà hơn 20 danh hiệu.
Nhưng bà được biết đến nhiều nhất là trong một trận đấu mang tên “The Battle of Sexes” đấu với vận động viên nam Bobby Riggs vào năm 1973.
Nữ vận động viên 29 tuổi với cặp kính đã đánh bại đối thủ Riggs 55 tuổi trước 50 triệu khán giả xem truyền hình trên toàn thế giới. Sau này bà đã thành lập Hiệp hội Quần vợt dành cho phụ nữ và vận động trả mức tiền thưởng công bằng giữa nam và nữ vận động viên.

7. Wangari Maathai, người thành lập Phong trào Vành đai xanh


Nhà hoạt động chính trị Wangari Maathai đã thành lập phong trào vành đai xanh vào những năm 1970
“Khi chúng ta trồng cây, là chúng ta đang gieo mầm của hòa bình và hy vọng,” bà Wangari Maathai, người đoạt giải Nobel vào năm 2004 phát biểu.
Nhà hoạt động chính trị người Kenya đã thành lập phong trào Vành đai xanh vào năm 1977 với nỗ lực giúp đỡ những người phụ nữ nông thôn vì các dòng suối của họ đều đã cạn kiệt, nguồn cung cấp thức ăn không còn đảm bảo và họ phải đi bộ rất xa mới có thể kiếm được củi.
Phong trào đã lan rộng trên toàn thế giới, vận động về vấn đề biến đổi khí hậu và hợp tác với Chương trình Bảo vệ Môi trường của Liên Hợp Quốc.

No comments:

Post a Comment