Monday, March 9, 2015

Bắc Kinh không úp mở: Biển Đông là sân nhà của Trung Quốc

09-03-2015
Ngư dân địa phương cho biết chiếc 'tàu lạ' có 'kiểu dáng tương tự như chiếc tàu Trung Quốc từng đâm chìm chiếc tàu cá của ngư phủ Đà Nẵng hồi tháng Năm năm 2014'.
Ngư dân địa phương cho biết chiếc ‘tàu lạ’ có ‘kiểu dáng tương tự như chiếc tàu Trung Quốc từng đâm chìm chiếc tàu cá của ngư phủ Đà Nẵng hồi tháng Năm năm 2014′.
Sau khi nhận được tin báo của ngư dân về một chiếc tàu được gọi là “tàu lạ” xâm phạm lãnh hải Việt Nam, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã triển khai hai chiếc tàu tới truy bắt.
Tuy nhiên, khi thấy lực lượng biên phòng Việt Nam, chiếc tàu mà truyền thông trong nước và các ngư phủ Đà Nẵng nói là tàu cá của Trung Quốc đã “bỏ chạy”.
Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho VOA Việt Ngữ biết, vụ việc xảy ra sáng sớm ngày 7/3 và chỉ cách bờ biển thành phố Đà Nẵng 18 hải lý.
Khi được hỏi đó có phải là tàu của Trung Quốc hay không, ông Hưng nói:
“Mình bây giờ phải nói rõ là tàu nước ngoài, chứ không phải tàu Trung Quốc được. Khi ‘bắt tận tay, day tận trán’ thì mới khẳng định được tàu có là của nước nào, rồi sau đó mình mới lập biên bản, xác định hành vi phạm tội, địa điểm phạm tội, trang thiết bị phạm tội trên vùng biển Việt Nam thì sau đó mình mới xử lý theo pháp luật Việt Nam được. Mặc dù biết là của Trung Quốc nhưng mà chưa ‘bắt tận tay, day tận trán’ được nên việc đó phải hết sức cẩn thận với thông tin, không khéo Trung Quốc phản ánh lại rất là phiền bởi vì chưa bắt được mà.”
Trong khi đó, báo chí Việt Nam dẫn lời các ngư dân địa phương cho biết chiếc “tàu lạ” có “kiểu dáng tương tự như chiếc tàu Trung Quốc từng đâm chìm chiếc tàu cá của ngư phủ Đà Nẵng hồi tháng Năm năm 2014”.
Truyền thông trong nước cũng đưa tin thêm về việc nhiều vụ tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thời gian qua, “không chỉ khai thác trái phép hải sản, mà còn có dấu hiệu đưa phương tiện thăm dò, khiêu khích tàu cá ngư dân Việt Nam”.
Ông Hưng cho biết thêm rằng trong năm 2014, có gần 300 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm khu vực biển cách Đà Nẵng khoảng 40 – 50 hải lý. Ông không nói rõ trong số đó có bao nhiêu tàu của Trung Quốc.
Ngoài ra, ông cũng cho hay rằng có 6 trường hợp tàu cá Trung Quốc tông, va, bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi và Khánh Hòa trên khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cũng cho biết lực lượng của ông luôn giữ liên lạc với các ngư dân, phát huy sức mạnh của quần chúng vì họ “là những người hoạt động trên tất cả vùng biển Việt Nam”.
Tình hình biển Đông nóng lên suốt từ năm ngoái sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển mà Việt Nam coi là thềm lục địa của mình cũng như ngăn chặn ngư dân Việt đánh bắt tại những nơi tranh chấp ở biển Đông.
Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, gần đây đã lên tiếng phản đối các hoạt động lấn biển và xây dựng của Trung Quốc trên các bãi đá ở Trường Sa và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức các hành động ‘sai trái’, ‘vi phạm chủ quyền Việt Nam.’
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần quan nói rằng nước ông “có toàn quyền tiến hành xây dựng và phát triển đất đai quanh các hòn đảo và bãi đá tranh chấp trên biển Đông”.
Ông Vương nói rằng Bắc Kinh “không chấp nhận chỉ trích từ bất kỳ ai vì chúng tôi chỉ xây dựng các cơ sở trong sân nhà của mình”.
Ông gọi các hành động bồi đắp ở biển Đông là “hợp pháp và chính đáng”. Việt Nam chưa lên tiếng trước các phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.
________

Tàu cá Trung Quốc liều lĩnh đánh bắt trộm

Tấn Tài
10-03-2015
(PL)- Các tàu cá có thiết kế công suất lớn của Trung Quốc liều lĩnh tiến sâu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để đánh bắt, khai thác trộm thủy sản.
Mới đây (ngày 7-3), ngư dân ta đã phát hiện và báo lực lượng chức năng truy bắt một tàu cá Trung Quốc tiến rất sâu vào vùng biển Đà Nẵng đánh bắt trộm hải sản (cách bờ khoảng 18 hải lý). Theo bộ đội biên phòng Đà Nẵng, đây là vụ tàu cá Trung Quốc đánh trộm “liều lĩnh” nhất trong số hàng trăm vụ bị phát hiện gần đây.
Chưa bao giờ liều lĩnh như thế
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Lê Tiến Hưng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, cho biết tàu nước ngoài đã nhiều lần xâm phạm vùng biển Việt Nam nhưng vào sâu như lần vừa rồi thì khá hiếm. “Họ vào thả dập cua để bắt trộm cua, ghẹ. Khi rút đi, tàu này còn cắt lưới đánh cá của ngư dân ta. Chưa bao giờ họ liều lĩnh như thế. Thường thì họ đi một tổ gồm 3-4 chiếc nhưng lần này chỉ có một chiếc là tiến sát vào” – ông Hưng cho hay.
Theo một số ngư dân, mùa tháng 3 là mùa cá nên ngư dân Trung Quốc đi đánh bắt rất đông. Tại các vùng biển ven bờ của Đà Nẵng và một số địa phương lân cận thường xuất hiện các loài cá cam, cá bột có giá trị nên các đội tàu của Trung Quốc liều lĩnh tiến vào để đánh bắt trộm. Nhiều tàu còn sử dụng cả các loại canô, xuồng cao tốc để di chuyển áp sát bờ quăng lưới, rồi cho tàu lớn vào “thu hoạch” và rút ra rất nhanh. “Mùa này, khi các loài cá cam, cá bột bắt đầu khan hiếm, các tàu Trung Quốc chuyển sang dập cua trộm (đặt các hộp bắt cua, ghẹ dưới đáy biển)” – một ngư dân khác cho biết.
Tấn công ngư dân
Ông Trần Văn Lĩnh, Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, cho hay lâu này các tàu cá Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển của Đà Nẵng không phải là ít. “Các tàu này được trang bị hiện đại, có công suất lớn hơn nhiều so với tàu của ngư dân ta. Ngư dân khi gặp các tàu đánh bắt trộm đều báo về lực lượng chức năng biết, còn không dám tiến lại gần vì chúng rất hung dữ” – ông Lĩnh nói.
Ngư dân Lê Văn Đông (quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) cho hay khác với ngư dân ta thường vươn ra các ngư trường xa, các tàu cá của Trung Quốc thường vào đánh bắt trộm ở vùng biển ven bờ. Dưới sự hỗ trợ của các tàu khác, số tàu cá này ngày càng hung hăng. Trong khi đó “từ giữa tháng 5 trở đi, Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm biển đến ngày 1-8. Chúng tôi cực lực phản đối lệnh cấm này. Đây không phải là biển của Trung Quốc mà họ có quyền áp đặt lệnh cấm. Đây là biển Việt Nam nên chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục ra khơi, bám biển” – anh Đông bức xúc.
Đầu năm đến nay, hàng chục vụ xâm phạm
Trong năm 2014, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng đã phát hiện 286 tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển phía đông bắc Đà Nẵng (cách bờ khoảng 40-50 hải lý). Có sáu trường hợp tàu Trung Quốc tông va, bắt giữ trái phép tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Khánh Hòa trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục trường hợp tàu cá của ngư dân Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam để đánh bắt trộm.
Về phương án đấu tranh lâu dài, ông Hưng cho rằng ngư dân ta phủ sóng khắp các vùng biển nên họ chính là tai mắt của lực lượng chức năng trên thực địa. Do đó sẽ tăng cường kết nối thông tin liên lạc giữa biển – bờ để kịp thời phát hiện, truy đuổi các tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển chủ quyền, đánh bắt trộm. “Hiện các phương tiện tàu bè của mình tốc độ chưa cao, tàu lại nhỏ, khả năng chịu sóng lớn kém. Khi tàu mình xuất kích thì các tàu này đã kịp thời thoát ra ngoài vùng lãnh hải nên cần phải có sự đầu tư trang bị cho lực lượng thực thi nhiệm vụ” – ông Hưng cho hay. Ông Hưng cũng khuyến cáo bà con ngư dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời thông báo tình hình, diễn biến trên biển về lực lượng biên phòng biết và xử lý.
Đối xử nhân đạo với ngư dân vi phạm
Theo Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, các tàu cá của Việt Nam khi ra đánh bắt gần khu vực quần đảo Hoàng Sa thì thường xuyên bị các tàu Trung Quốc bao vây, cướp bóc. Đa số các tàu bị nạn là của tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều lần phía Trung Quốc còn tịch thu hết tài sản, ngư lưới cụ, chỉ cho đủ một lượng dầu để tàu chạy được về Đà Nẵng.
Theo ông Hưng, những trường hợp tàu cá Trung Quốc bị phát hiện, bắt giữ đang đánh bắt trộm trên vùng biển Việt Nam thì lực lượng chức năng chỉ lập biên bản vi phạm, chụp ảnh và phóng thích ngay trên biển. “Chúng tôi chỉ ghi nhận lại những chứng cứ để đấu tranh ngoại giao chứ không bắt giữ tàu hay tịch thu thủy sản, ngư lưới cụ như một số quốc gia khác vẫn làm. Họ cũng là những ngư dân làm ăn trên biển như ngư dân của ta nên phải được đối xử nhân đạo” – ông Hưng cho biết.
____________________________________________
H1Thủ đoạn của các tàu đánh bắt trộm là lợi dụng khi đêm xuống, các tàu này tăng hết tốc độ, áp sát bờ biển Việt Nam để đặt thả lưới, dập cua. Khi trời vừa hửng sáng thì nhanh chóng thu gọn dụng cụ, rút chạy ra ngoài lãnh hải của ta.
Đại tá LÊ TIẾN HƯNG, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng 
H1Khi họ gặp tàu ngư dân ta ở vùng biển gần thì né tránh để khai thác trộm. Còn ra vùng biển xa, họ mới áp sát tấn công, cướp hết thủy sản và đồ nghề đánh bắt.
Ông TRẦN VĂN LĨNH, Quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng
H1Tàu cá của Trung Quốc là loại tàu vỏ gỗ và rất giống với chiếc tàu đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ Thanh Khê, Đà Nẵng) hồi tháng 5-2014 trên vùng biển Hoàng Sa (Việt Nam). Khi thấy có tàu cá Việt Nam, tàu này vẫn ngang nhiên thả lưới. Tuy nhiên, khi tàu biên phòng đến nơi thì tàu cá Trung Quốc đã bỏ chạy.
Ngư dân TRƯƠNG VĂN PHƯƠNG,phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng

No comments:

Post a Comment