Cách xử lý khủng hoảng của Tân Hiệp Phát ngày càng đáng “bái phục”. Rất “nể” cho sự lì lợm và trơ tráo khi họ tiếp tục phủi tay gạt trách nhiệm, trong khi không giấu được sự cuống cuồng chạy chữa. Tuy nhiên, việc họ làm, thật quái đản, là dội tiếp dầu vào đám cháy.
Trả lời phóng viên tờ “Chất lượng Việt Nam” (vietq.vn; 6-3-2015), Phạm Lê Tấn Phong – Giám đốc trung tâm truyền thông của Tân Hiệp Phát – nói rằng, “có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sản phẩm bị hư hỏng, nhưng nó LUÔN Ở MỨC ĐỘ CHO PHÉP”, rằng “việc vật thể lạ, dị vật hay sản phẩm hư CHỈ CÓ THỂ ĐẾN TỪ KHÂU VẬN CHUYỂN, XẾP HÀNG, BẢO QUẢN CỦA NHÀ PHÂN PHỐI, ĐẠI LÝ, HOẶC KHI ĐẾN TAY NGƯỜI TIÊU DÙNG”; rằng “dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát là một dây chuyền sản xuất HIỆN ĐẠI NHẤT KHU VỰC”…
Đây có thể nói là một ca cực hiếm về sự tồi tệ trong xử lý khủng hoảng. Tân Hiệp Phát đang tự biến mình thành trò cười của các công ty đối thủ, thành hình ảnh lố bịch dưới mắt dư luận và trên hết có lẽ là thành “kẻ thù” của người tiêu dùng – điều tai hại lớn nhất mà những huân chương hay giấy khen họ có được (do bỏ tiền có được – nếu điều đó đúng) không thể nào có thể giúp họ thoát khỏi vũng lầy bầy nhầy từ chính các sản phẩm tai hại của họ đổ ra.
Điều cần làm bây giờ, thay vì chạy đôn chạy đáo (với hàng tỉ có thể vung ra – nếu có) để bịt miệng báo chí, là họ chỉ cần tổ chức buổi họp báo qui mô toàn quốc hay ít nhất từng khu vực để cúi đầu xuống thật sâu và thật lâu, nói lời xin lỗi người tiêu dùng, thừa nhận họ đã sai HOÀN TOÀN trong mọi biện pháp xử lý kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra; thừa nhận họ đã tổn thất bao nhiêu; thừa nhận họ đã rất lúng túng khi lần đầu tiên đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn như vậy; thừa nhận họ có lừa người tiêu dùng trong việc lái dư luận sang hướng khác để tránh nhận trách nhiệm trực tiếp…
Thừa nhận họ có một bộ máy xử lý khủng hoảng thuộc hạng tồi nhất thế giới; thừa nhận họ quá ngạo mạn và nghĩ rằng chỉ cần vung ra thật nhiều tiền để rịt mõm báo chí (nếu có) là có thể giải quyết được vấn đề; thừa nhận họ từng đút lót thanh tra (nếu có) với suy nghĩ ấu trĩ rằng bằng cách đó có thể nhanh chóng xử lý được vụ việc; thừa nhận dây chuyền sản xuất có vấn đề và cam kết khắc phục bằng mọi giá; thừa nhận họ vẫn còn là một công ty yếu kém chưa thể sánh với các tập đoàn đa quốc gia, rằng họ còn phải học rất nhiều từ các đối thủ nước ngoài, hơn là thỏa mãn những gì đạt được; thừa nhận họ hèn đến mức không đủ can đảm nhận lỗi mà đổ vấy cho một hoặc những “thế lực thù địch” tưởng tượng nào đó…
Nói cách khác, cuộc khủng hoảng đã lún rất sâu và Tân Hiệp Phát đã sai rất nghiêm trọng. Càng quanh co, họ càng đào sâu cho cái huyệt của chính mình. Mỗi lời biện bạch bây giờ đều như cây đinh gõ cốp vào quan tài họ. Chỉ thái độ thành khẩn mới có thể cứu vãn tình hình. Đó là cách duy nhất mà Tân Hiệp Phát phải làm. Không thể có cách nào khác khả dĩ.
06-03-2015
No comments:
Post a Comment