Friday, March 6, 2015

Đảng Cộng sản Việt Nam phù phép với Internet

Tác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan
03-03-2015
H1Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng” – Thứ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn.
“Thông tin trên mạng xã hội là nhu cầu thiết thực của hơn 30 triệu người dân, không thể ngăn cấm. Điều quan trọng là cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin chính xác để người dân không phân tâm bởi những thông tin sai trái”. – Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Facebook là một mối đe doạ sinh tử đối với việc nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản, hay một cơ hội mới để giao tiếp với công dân Việt Nam? Lãnh đạo nhà nước đang mò mẫm đối phó với thách thức này.
Trong khi Việt Nam đang bước vào một năm mang tính chính trị cao (có thể sẽ có một Đại hội Đảng trọng yếu), hiện tượng Facebook đã leo lên vị trí khá cao trong chương trình nghị sự chính trị.
Có rất nhiều thứ đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội đúng là làm cho những người bảo thủ trong Bộ Chính trị khó thông. Ví dụ, khi cựu chủ tịch UBND Đà Nẵng được ái mộ, nằm chờ chết vì bệnh bạch cầu hồi tháng 12, có những tin đồn xoáy lên rằng thực tế là ông đã bị đặc vụ Trung Quốc đầu độc theo lệnh của “phe thân-Trung Quốc”. Ngay trước đó, có một câu chuyện thậm chí còn độc hại hơn được lan truyền về hậu quả hội nghị Thành Đô năm 1988 của “phe thân TQ” với các lãnh đạo Trung Quốc, thoả thuận rằng Việt Nam sẽ trở thành một khu vực của Trung Quốc trên thực tế (de facto) để đổi lại sự ủng hộ của họ.
Cho dù những tin đồn này là có tính phá hoại hoặc chỉ là ngớ ngẩn, những nỗ lực của đảng và nhà nước nhằm ngăn chặn người dân tiếp cận với ý tưởng trên mạng đã thất bại hoàn toàn. Chế độ Hà Nội đã quen với việc ban hành các nghị định mà họ không thể thực thi. Chẳng hạn, Nghị Định 72, ban hành hồi tháng 7 năm 2013, bao gồm điều khoản cấm người dân không được “cung cấp thông tin tổng hợp” trên mạng xã hội. Điều đó làm dấy lên hàng loạt lời than phiền từ phương tiện truyền thông và các tổ chức tự do ngôn luận nước ngoài, nhưng những người dùng Facebook Việt Nam có thay đổi cách thức ngỗ nghịch của họ không? Không một tí nào.
Những nỗ lực của các cơ quan an ninh đe dọa cộng đồng blogger bất đồng chính kiến Việt Nam cũng không có kết quả rõ ràng. Dù đã có hàng chục blogger hiện sống mòn mỏi trong tù, nhưng nhiều blog mới vẫn mọc lên, lấp đầy khoảng trống để lại.
Những người điều hành Ban Tuyên Giáo Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chịu thua. Bây giờ họ đang thúc đẩy một quy hoạch củng cố các phương tiện truyền thông dưới sự kiểm soát của đảng và nhà nước. Đây là một nỗ lực với một mục tiêu rất quen thuộc: hợp lý hoá các phương tiện truyền thông để chúng thực hiện công việc tốt hơn “đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”.
“Quyền làm chủ của nhân dân” là cụm từ có nghĩa là để Đảng kiểm soát đời sống chính trị của Việt Nam.
Quy hoạch hợp nhất được lưu hành rộng rãi trong các kênh chính thức vào cuối năm 2014, làm choáng các biên tập viên của vài ba chục tờ báo chính thống vẫn còn làm ra lợi nhuận. Những báo này là tinh hoa của ngành xuất bản được cấp phép và giám sát. Chúng bán độc lập về kiểm duyệt vì có lợi nhuận, và có lợi nhuận vì biết phục vụ cho độc giả một hỗn hợp giàu tưởng tượng và sâu sắc những câu chuyện chỉ tuân thủ một cách tối thiểu với hướng dẫn của Ban Tuyên Giáo và cơ quan điều hành của nó, Cục Báo Chí của Bộ Thông Tin và Truyền Thông.
Một biên tập viên giải thích “Điều mà họ đang cố làm là làm sao để chạy những câu chuyện trên các phương tiện truyền thông mà họ còn kiểm soát”. Nếu kế hoạch hợp nhất được thực hiện, “nó sẽ giết chúng tôi”, ông nói thêm.
Quy hoạch của Ban Tuyên Giáo, mà Asia Sentinel được người nào đó cung cấp một bản sao, kể ra 199 báo in và 98 báo mạng (trong đó có 76 là phiên bản trên mạng của báo in). “Điều đó chưa hợp lý” theo sự phân tích của tác giả. “Tiếp cận thông tin là quá thừa ở một số nơi này và thiếu ở những nơi khác”. Hơn nữa, quy hoạch chỉ ra, phần lớn trong số các tờ báo này phụ thuộc vào trợ cấp từ các tổ chức của Nhà nước.
Ban Tuyên Giáo có một điểm đúng. Mặc dù báo chí của Việt Nam đã được phép bán quảng cáo và lắp đầy các trang của mình với những câu chuyện giật gân trong một phần tư thế kỷ, nói chung các phương tiện truyền thông là một gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhiều tờ báo chỉ đơn giản là cơ quan tuyên truyền nội bộ của các bộ, cơ quan, viện nghiên cứu, các hiệp hội nhà nước hoặc chính quyền địa phương, với số phát hành ít ỏi và số độc giả thậm chí còn nhỏ hơn. Những báo này có biến đi thì có lẽ chẳng ai ngoài Ban Tuyên Giáo sẽ nhỏ một giọt nước mắt.
Trớ trêu thay, những gì mà người giám sát chính thức các phương tiện truyền thông muốn là làm cho những tờ báo tốt nhất của Việt Nam giống hơn những tờ báo tồi tệ nhất, tức là, cung cấp một cách tin cậy những thứ tào lao chính thức. Họ đề xuất thực hiện điều này bằng cách bảo trợ việc sáp nhập giữa các tờ báo mạnh với các tờ báo yếu về tài chính. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là số ít các tờ báo có chút độc lập và hấp dẫn đại chúng sẽ bị buộc phải ôm lấy các tờ báo bám theo ‘lề Đảng’. Theo một quan chức cấp cao, Nhà nước nhấn mạnh rằng các phương tiện truyền thông phải làm nghĩa vụ chính trị và tuyên truyền, và “không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.”
Mỉa mai hơn: đề án tăng cường sự ‘lãnh đạo’ Nhà nước đối với các phương tiện truyền thông dưới sự kiểm soát của Nhà nước (bao gồm cả mạng lưới phát thanh và truyền hình cũng như các tờ báo và tạp chí) được thúc đẩy bởi nhận thức rằng ở Việt Nam như các nơi khác, chính các phương tiện truyền thông xã hội trên mạng đang nhanh chóng trở thành những nhà cung cấp thông tin chiếm ưu thế. “Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và tăng trưởng bùng nổ các phương tiện truyền thông trên Internet, toàn cầu hóa… hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, và … những khó khăn về kinh tế – xã hội … tạo ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác lãnh đạo, quản lý báo chí”.
Tuy nhiên, còn mỉa mai hơn nữa: các blog ẩn danh của những người thuộc nội bộ chính trị, một nét mới của không gian mạng Việt Nam, đang lấy cắp độc giả từ báo chí chính thống. Trong những năm qua, báo chí trông mong nhiều tin tức rò rỉ ra khi các phe phái trong đảng tranh nhau giành lợi thế. Năm này kiểm duyệt chính phủ đã áp đặt một nắp đậy chặt chẽ lên những câu chuyện như vậy, mặc dù trên mạng có rất nhiều tiết lộ từ nguồn gốc “nội bộ” đang kích động độc giả. Quy hoạch hợp nhất phương tiện truyền thông của Ban Tuyên Giáo đã được xem xét và chấp thuận về nguyên tắc trong Hội nghị lần thứ 10 của BCH TƯ Đảng vào tháng 1/2014. Trước, trong và sau cuộc họp đó, những người canh giữ đường lối của Đảng nhấn mạnh mối đe dọa từ các phương tiện truyền thông trực tuyến không được kiểm soát.
Trưởng Ban, ông Đinh Thế Huynh, một trong 16 ủy viên Bộ Chính trị, chê trách truyền thông chính thống thụ động. “Trong khi ta đã quán triệt tinh thần là những thông tin sai sự thật, bịa đặt thì bản thân các cơ quan báo chí trung ương, địa phương phải bác bỏ, không chờ người khác định hướng và bác bỏ giúp”. Ngoài ra, Huynh cảnh báo chống lại “cái gọi là tự do báo chí, ngôn luận kiểu phương Tây mà một số người đang lợi dụng nhằm vu cáo, xuyên tạc, kích động, hạ uy tín của nền báo chí cách mạng, lôi kéo những người làm báo xa rời sứ mệnh chính trị của mình.”
Thứ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn tuyên bố rằng Việt Nam đang trong một cuộc chiến tranh thông tin và nhiều người dân sẽ bị quyến rũ bởi nội dung bị bóp méo hoặc bôi nhọ trên mạng trừ khi cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông chính thống phản ứng nhanh chóng. “Hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm là xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân … Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật VN”.
Ngày hôm sau, 16 tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của Văn phòng Chính phủ để đưa ra quan điểm tích cực hơn của ông về hiện tượng Facebook.
Phát biểu với các cấp dưới chủ chốt, Thủ tướng nhấn mạnh rằng họ và nhân viên phải lên mạng để giải quyết các vấn đề đang nẩy sinh một cách khẩn trương, minh bạch và chính xác. “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại đang mở Facebook xem thông tin”. Ông Dũng nhấn mạnh rằng sẽ không ai sẽ bị khiển trách khi có sáng kiến chỉnh lại các thông tin xấu về các vấn đề thuộc thẩm quyền của họ. “Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin ‘chính thống’ của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay”.
Về quy hoạch hợp nhất phương tiện truyền thông, sáp nhập mạng lưới truyền hình hàng đầu VOV và là một kênh cáp nhỏ hơn VTC đã được công bố, điều đó sẽ được hoàn thành trong năm 2017. Những sáng kiến hợp nhất khác có thể sẽ tạm để yên cho đến sau Đại hội Đảng tháng 1 tới. Cả phe tiến bộ lẫn phe bảo thủ đều đồng ý về nguyên tắc là các thông tin xấu phải được đính chính kịp thời. Liệu điều đó sẽ xảy ra khi đang chờ đại hội đảng hay không? Chừng nào mà kết quả còn chưa rõ ràng, các quan chức cấp cao có khả năng sẽ chỉ lần theo lối cẩn trọng.
Ông Dũng và những người ủng hộ là một nhóm thực dụng dù không phải mỗi người có thể xem như tiến bộ. Nếu trong đại hội họ chiếm ưu thế (và có vẻ như thế) sẽ an toàn nếu đánh cuộc rằng quy hoạch truyền thông hiện nay sẽ bị loại bỏ thay bằng một cái gì đó ít ý thức hệ nhưng mang tính thị trường nhiều hơn.
Ghi chú: Bản dịch này từ bản tiếng Anh có đôi chỗ khác với bản đã đăng trên Asia Sentinel.

No comments:

Post a Comment