Friday, March 13, 2015

Trở lại trận Ban Mê Thuột 1975 (Phần 1)

...sở dĩ Buôn Ma Thuột được lựa chọn vì đây là điểm mà lực lượng miền Nam Việt Nam ít chú ý hơn, có nhiều sơ hở và thuận lợi cho các đơn vị lớn hoạt động. Hơn nữa, miền Nam Việt Nam và cả các cố vấn Mỹ vẫn tin rằng miền Bắc chưa đủ sức đưa quân vào Buôn Ma Thuột vào thời điểm đó. -Lữ Giang 



LTG
Bài này đã được viết và phổ biến trên tuần báo Saigon Nhỏ ngày 29/4/2005 để ghi nhớ 30 năm ngày mất Miền Nam. Mới đó mà đã 10 năm rồi! Năm nay để ghi nhớ 40 năm ngày mất Miền Nam và rút kinh nghiệm lịch sử, chúng tôi hoàn chỉnh lại với một số tài liệu mới.
Để có thể hiểu một cách dễ dàng trận đánh Ban Mê Thuộc, chúng tôi xin tóm lược kế hoạch đánh chiếm miền Nam của Hà Nội lúc đó như sau: Khai thông con đường Đông Trường Sơn (tức đường 14) đưa quân vào Phước Long rồi đánh thẳng vào Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh niền Trung. Muốn khai thông con đường này, phải phá hai cái chốt quan trọng mới đi qua được: Năm 1974 phá cái chốt Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng, năm 1975 phá cái chốt Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuột và đưa lực lượng xuống Phước Long. Năm 1976 sẽ đánh vào Sài Gòn. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Ngô Quang Trưởng và Tướng Phạm Văn Phú có khả năng về quân sự thấp, không có tầm nhìn chiến lược, nên đoán mò và trúng kế đối phương, làm mất Miền Nam một cách nhanh chóng.
Vì phải tóm lược đầy đủ các sự kiện đã xảy ra, chúng tôi viết bài này hơi dài nên sẽ phổ biến hai kỳ, xin độc giả thông cảm.
Lữ Giang

nguyenvanthieu_phamvanphu
Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Phạm Văn Phú
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày chiếm Ban Mê Thuột, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên nhật báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam số ra ngày 10/3/1975, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đã nói rằng sở dĩ Buôn Ma Thuột được lựa chọn vì đây là điểm mà lực lượng miền Nam Việt Nam ít chú ý hơn, có nhiều sơ hở và thuận lợi cho các đơn vị lớn hoạt động. Hơn nữa, miền Nam Việt Nam và cả các cố vấn Mỹ vẫn tin rằng miền Bắc chưa đủ sức đưa quân vào Buôn Ma Thuột vào thời điểm đó.
Khi được đài BBC phỏng vấn, Tướng Thảo trả lời còn tệ hơn, ông chỉ lặp lại những luận điệu bố lếu bố láo cũ đã lỗi thời khiến người nghe phải bực mình. Điều này cũng dễ hiểu thôi: Tướng Hoàng Minh Thảo là cấp thừa hành, chỉ đâu đánh đó, có trình độ văn hóa thấp và chỉ có tầm nhìn chiến thuật, nên không thể biết được kế hoạch của Bộ chính trị và Quân ủy trung ương ở Hà Nội như thế nào.
Cách đây 25 năm, khi mới đến Hoa Kỳ, chúng tôi đã viết một bài đầu tiên về trận đánh Ban Mê Thuột đăng trên báo Thời Luận ở Los Angeles, căn cứ vào các cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở trong tù. Bài đó đã làm đảo ngược lại cách nhìn về những ngày ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Trước đó, một số người đi trước, nhất là Phạm Huấn, cứ nghĩ rằng các nhân chứng sẽ không bao giờ tới được đất Mỹ, nên đã viết phịa sử một cách thoải mái!
Nay đã 40 năm, thời gian đủ để cho chúng ta sưu tầm tài liệu, gạn lọc và suy nghĩ để trình bày lại vấn đề một cách chính xác hơn.
Kế hoạch của phe cộng sản
Như chúng tôi đã nói trong số báo ra ngày 11/3/2005, muốn chiếm miền Nam một cách nhanh chóng, kế hoạch của Hà Nội là phải đánh thẳng vào Sài Gòn, đầu não của miền Nam, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Muốn thực hiện điều dó, Tướng Văn Tiến Dũng cho biết Hà Nội đã quyết định cho làm lại con đường Đông Trường Sơn, tức quốc lộ 14, bắt đầu từ Khe Hó ở Quảng Trị, xuống tận Tà Thiết ở Bình Long, tức vùng Chiến Khu Đ. Công trình này đã được khởi sự từ năm 1973, sử dụng khoảng 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong. Khi làm con đường này, có hai cái chốt phải nhổ mới có thể khai thông được, đó là Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng và Đức Lập, ở phía tây Ban Mê Thuột.
Trong cuốn "Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm", Tướng Trần Văn Trà cho biết vào tháng 10 năm 1974, ông và Phạm Hùng ra Bắc họp, Bộ Chính Trị đã ra lệnh tại Nam Tây Nguyên phải mở hành lang chiến lược đoạn Đức Lập cho thông suốt. Năm 1976 sẽ bắt đầu đánh lớn.
Tại sao phải chiếm Đức Lập?
Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức, một tỉnh nằm ở phía nam Ban Mê Thuột và sát vùng ngả ba biên giới Việt - Miên- Lào. Năm 1910, một người Pháp tên là Henri Maître đi thám hiểm vùng Tây Nguyên đã khám phá ra vùng ba biên giới này. Nhưng khi người Pháp đến lập các căn cứ tại đây thì bị người Thượng chống trả rất quyết liệt. Năm 1932, Đại úy Mallard từ Bandon thuộc tỉnh Darlac, đã theo sông Dak Dam đi lên và khám phá ra vùng Dakmil nằm sát vùng Tam Biên là nơi có đất rất tốt, nên xin bình định và lập một đồn tại đây để kiểm soát và khai thác. Sau đó, Pháp đã cho làm một liên tỉnh lộ nối liền Bandon với Dakmil dài 55 cây số và đặt tên là Liên tỉnh lộ 6. Vùng Dakmil là quận Đức Lập sau này.
Quốc lộ 14, sau khi chạy qua Ban Mê Thuột, đã đi vào Đức Lập rồi chia thành hai nhánh, một nhánh đi thẳng qua Phước Long và Bình Long, nối liền với đầu quốc lộ 13, một nhánh đi về Gia Nghĩa rồi quẹo qua Kiến Đức, vào Phước Long và gọi là quốc lộ 14B.
Năm 1959, khi các hoạt động của phe cộng sản gia tăng ở vùng Cao Nguyên và Chiến Khu Đ, chính phủ Ngô Đình Diệm đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức để kiểm soát vùng Tam Biên và chặn đường đi xuống Chiến Khu Đ của phe cộng sản. Tỉnh này gồm 3 quận là Kiến Đức, Khiêm Đức và Đức Lập. Tỉnh lỵ đặt tại Gia Nghĩa.
Để khai thông Thường Đức, trong hai tháng 7 và 8 năm 1974, phe cộng sản đã huy động gần 3 sư đoàn thiện chiến để thanh toán cái chốt này. Sau đó, phe cộng sản làm khúc đường 14 từ Quảng Nam đến Phước Long ở cả hai chiều cùng một lúc, một chiều từ Phước Long đi lên Quảng Đức và một chiều từ Quảng Nam đi vào. Tại khúc Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang trần đóng trên quốc lộ 14, nên phe cộng sản phải làm con đường thứ hai đi vòng sau Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột để vào Quảng Đức và đặt tên là Quốc lộ 14A. Khi tới Đức Lập, con đường bị kẹt ở đây nên phe cộng sản phải thanh toán Đức Lập bằng mọi giá. Tuy nhiên, chiếm xong Đức Lập mà muốn giữ vững cái chốt này, phải chiếm luôn Ban Mê Thuột vì từ Ban Mê Thuộc, quân lực Việt Nam Cộng Hòa có thể đánh chiếm lại.
Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ của tỉnh Darlac, có độ cao khoảng 536 thước và cách Sài Gòn 353 cây số. Vùng đất này ngày xưa thuộc sắc tộc Rhadé Kpa, do tù trưởng Ama Y Thuột cai quản (có sách viết là Maya Thuột). Theo truyền tụng, trước đây Ban Mê Thuột được gọi là Buôn Ma Thuột, vì theo thổ ngữ của sắc tộc Rhadé, Buôn có nghĩa là làng hay ấp, Ma là ông, còn Thuột là tên riêng. Buôn Ma Thuột là làng của ông Thuột. Năm 1923 tỉnh Darlac được thành lập và đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Léopold Sabatier. Đây là một vùng đất phì nhiêu và là cửa ngỏ quan trọng của đường giao thông từ Tây Nguyên xuống Nam Phần.
Không nhận ra kế hoạch của địch
tran_banmethuot
Như chúng tôi đã trình bày trong số ra ngày 1/4/1975, trong cuộc họp vào đầu tháng 10 năm 1974 tại Dinh Độc Lập, Tướng Phạm Văn Phú đã nhận định: "Đối phương có thể đẩy nỗ lực chính vào việc đánh mạnh Kontum - Pleikucắt đường 14, đường 19 (nối Quy Nhơn với Pleiku)".
Ông không tiên đoán được phe cộng sản sẽ đánh Đức Lập và Ban Mê Thuột để khai thông đường Đông Trường Sơn. Phe cộng sản không hề định đánh Kontum hay Pleiku như ông đoán.
Tướng Nguyễn Văn Thiệu cũng không nắm vững chiến lược và chiến thuật của phe cộng sản nên đã nhận định rất vu vơ: "Có thể quân cộng sản sẽ mở tiến công trong Đông - Xuân, quy mô lớn hơn 1972, kéo dài cả năm. Mục tiêu chung nhằm đánh phá bình định và diệt nguồn sinh lực của ta. Có thể quận cộng sản đánh chiếm Quảng Trị trên cơ sở cô lập Huế - Đà Nẵng. Lấy Kontum để áp lực Bắc Bình Định, lấy Tây Ninh làm thủ đô và ung thối đồng bằng sông Cửu Long".
Tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh không quân, đã báo cáo rằng theo không ảnh, phe cộng sản đã khai thông được đường Đông Trường Sơn và hệ thống ống dẫn dầu đã phát triển tới tây bắc Bến Giằng (tức Thường Đức, Quảng Nam). Nhưng chẳng ai thèm để ý.
Tin tức tính báo dồn dập
Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 của Quân đoàn 2, kể lại rằng nhờ hệ thống truyền tin điện tử, Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng Hòa đã mở được hầu hết các khóa mật mã của phe cộng sản đánh đi. Nhờ vậy, từ tháng 12 năm 1974 Quân đoàn 2 đã biết được phe cộng sản đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.
Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 cho biết một tiểu đoàn của Trung đoàn 45 đang hành quân trên quốc lộ 14 gần quận Thuần Mẫn thì một cán binh Việt Cộng ra xin đầu thú. Anh ta khai tên là Sinh (có người nói là Sính), một sĩ quan truyền tin, có nhiệm vụ bắt đường dây điện thoại ngang qua quốc lộ 14 nối liền Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 ở phía tây quốc lộ này với một đơn vị đang đóng ở quận Thuần Mẫn. Khi điều tra thì khám phá ra anh ta chỉ là một Thượng sĩ chớ không phải sĩ quan. Vì giữ nhiệm vụ truyền tin, anh ta biết khá nhiều về kế hoạch hành quân của Sư đoàn 320 và các đơn vị phối hợp. Anh cho biết Sư đoàn 320 đang đóng ở phía tây quốc lộ 14 gần quận Buôn Hô và đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Khi tin này được báo về Quân đoàn 2, Tướng Phú ra lệnh Trung đoàn 45 cho một tiểu đoàn hành quân lục soát hai bên quốc lộ 14, từ Ban Mê Thuột đến Pleiku để phát hiện quân cộng sản. Đại tá Quang nói ông đã cho lục soát nhưng không thấy gì. Sau này ông tiết lộ rằng tiểu đoàn đó chỉ lục soát mỗi bên quốc lộ 14 khoảng 1 cây số, trong khi Sư đoàn 320 đóng xa quốc lộ đến 5 cây số nên không thể phát hiện được. Sau khi đưa ra nhiều hứa hẹn, tên Sinh đồng ý hướng dẫn trực thăng đến trên vùng Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 đang đóng. Đại tá Quang nói rằng theo sự chỉ dẫn của tên Sinh, ông đã nhìn thấy phía dưới các cơ sở chứng minh có phe cộng sản đang đóng quân tại đó và đã báo cáo cho Tướng Phú biết.
Mặc dầu có tin Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 đã chuyển từ Kontum về phía bắc Ban Mê Thuột, nhưng cơ quan truyền tin của Quân đoàn 2 cho biết họ vẫn nhận được các tín hiệu truyền tin của Sư đoàn này phát đi từ một căn cứ ở Kontum. Căn cứ vào báo cáo này, Tướng Phú cho rằng Sư đoàn 320 vẫn còn tại Kontum và những lời khai của tên Sinh chỉ là một kế nghi binh của phe cộng sản để đánh Pleiku.
Trong thực tế, Sư đoàn 320 đã chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột nhưng tiếp tục cho phát các tín hiệu truyền tin từ Kontum để đánh lạc hướng.
Đầu tháng 2/1975, Phòng 2 Quân đoàn khám phá ra một thông báo của phe cộng sản về cuộc họp vào ngày 1/2/1975 của Tư Lệnh các Sư đoàn 320, F.10 và 968 tại vùng phía tây Đức Cơ để khai triển chiến dịch 275. Thông báo này do một người tên Tuấn ký tên. Tuấn là một trong những bí danh của Văn Tiến Dũng.
Một nữ du kích hồi chánh ở Ban Mê Thuột cho biết Trung đoàn 25 của phe cộng sản đã được lệnh ăn Tết trước để chuyển quân về vùng Khánh Dương ở phía đông Ban Mê Thuột và một số đơn vị thuộc Sư đoàn F.10 đã có mặt xung quanh quận Đức Lập, phía tây nam Ban Mê Thuột. Các thợ rừng báo cáo họ thấy nhiều đơn vị quân cộng sản lẩn quẩn trong vùng phía bắc và phía tây Ban Mê Thuột... Những tin tức này cho thấy phe cộng sản đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.
Trung tá Ngô Văn Xuân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44, cho biết vào Tết Ất Mão (1975), Trung đoàn 44 đang đóng ở căn cứ 801, cách tỉnh lỵ Pleiku khoảng 20 cây số về hướng tây bắc, đã được Quân đoàn 2 chỉ định tiếp đón Tổng Thống đến ăn Tết. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng một Tết (11/2/1975), Tổng thống từ Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đến Trung Tâm Hành Quân của Trung đoàn 44 bằng trực thăng cùng với các Tướng Trần Văn Trung, Lê Nguyên Khang và Phạm Văn Phú.
Tại đây, Trung tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng phòng 2 Sư đoàn 23, đã trình bày về tình hình chung của các khu vực trách nhiệm đang do Sư đoàn 23 trấn giữ, đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết về cung từ của một cán binh cộng sản thuộc Sư đoàn 320 ra đầu thú cho biết rõ các chi tiết phe cộng sản đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Tổng thống có vẽ đăm chiêu rồi quay lại hỏi Tướng Phú. Tướng Phú nhận định rằng có thể Việt Cộng đưa ra một kế trá hàng nhằm đánh lạc hướng chú ý của ta. Theo ông, Pleiku là điểm, Ban Mê Thuột chỉ là diện, bởi vì Pleiku có cơ sở đầu não là Bộ tư lệnh Quân đoàn 2. Nếu phe cộng sản tiêu diệt được cứ điểm này, chúng sẽ dễ dàng làm chủ được toàn bộ Cao Nguyên và tỏa xuống khu vực duyên hải. Tổng Thống Thiệu suy nghĩ trong giây lát, rồi ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư đoàn 23 về lại Ban Mê Thuột. Tổng thống nói địa thế Pleiku là khu vực trống trải, bao gồm nhiều đồi thấp và trọc, có tầm quan sát rộng, phe cộng sản không bao giờ dám đương đầu trên những khoảng trống như vậy. Tổng thống hứa sẽ cho thêm một Liên đoàn Biệt động quân để làm lực lượng trừ bị. Tướng Phú đáp: "Xin tuân lệnh!".
Sau khi nghe thuyết trình, Tổng thống Thiệu không đi Kontum như đã dự định mà đến Ban Mê Thuột và Quảng Đức để thăm và ủy lạo các binh sĩ.
Đại tá Trịnh Tiếu cho biết ngày 15/2/1975, Tướng Phú đã mở một cuộc họp tại Quân đoàn 2 để kiểm điểm tình hình trong Quân Khu 2, có Lãnh sự Mỹ ở Nha Trang lên tham dự. Đại tá Tiếu đã trình bày thêm các tài liệu cho biết phe cộng sản sẽ đánh Ban Mê Thuột, nhưng Tướng Phú cứ chần chờ, không chịu ra lệnh chuyển quân.
Trung tá Ngô Văn Xuân cho biết đến ngày 17/2/1975 Tướng Phú mới triệu tập phiên họp để đặt kế hoạch chuyển quân về Ban Mê Thuột theo lệnh Tổng thống. Theo kế hoạch này, Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 sẽ di chuyển bằng đường bộ, khi qua khu đèo Tử Sĩ, Trung đoàn 45 sẽ đi theo tháp tùng. Trung đoàn 44 đợi một Liên đoàn Biệt động quân đến thay thế trong vòng 3 ngày và sẽ đi sau.
Tám giờ sáng ngày 18/2/1975, đoàn quân tập trung tại căn cứ Hàm Rồng để khởi hành, nhưng đến 11 giờ Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân. Ông nói phe cộng sản sẽ đánh Pleiku và việc phe cộng sản chuyển quân quanh Ban Mê Thuột là để nghi binh mà thôi. Lệnh của Tướng Phú đã làm cả Quân đoàn 2 ngạc nhiên.
Phối trí lực lượng của hai bên
I. Phối trí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: Cao Nguyên Trung Phần gồm bốn tỉnh: Kontum, Pleiku, Darlac và Quảng Đức. Tướng Phạm Văn Phú đã phối trí quân để phòng thủ Cao Nguyên như sau:
1. Mặt trận Kontum: Mặt Trận này do Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân Khu 2 chỉ huy, gồm có:
- Liên đoàn 21 Biệt động quân với Tiểu đoàn 96 đóng ở đèo Chu Pao và Tiểu đoàn 72 đóng ở Kontum. Tiểu đoàn 89 biệt phái cho Liên đoàn 6 Biệt động quân đóng tại nam Kontum.
- Liên đoàn 22 Biệt động quân với Tiểu đoàn 95 đóng tại Trương Nghĩa phía tây Kontum, Tiểu đoàn 88 đóng tại Ngọc Bay ở phía tây bắc Kontum và Tiểu đoàn 62 đóng tại Kontum.
- Liên đoàn 23 Biệt động quân với ba Tiểu đoàn 11, 22 và 23 đóng ở phía bắc Kontun, dọc theo quốc lộ 14.
Về sau, Bộ Tổng tham mưu gởi Liên đoàn 6 Biệt động quân đến tăng cường cho Cao Nguyên với hai Tiểu đoàn 35 và 36 đóng ở phía đông và đông bắc Kontum. Tiểu đoàn 52 được tăng cường cho Liên đoàn 25 Biệt động quân tại Thanh An, Pleiku.
Như vậy có 4 Liên đoàn Biệt động quân trấn giữ Kontum. Tướng Phú rất sợ phe cộng sản sẽ mở một cuộc tấn công vào Kontum như "mùa hè đỏ lửa" năm 1972.
2. Mặt trận Pleiku: Mặt trận này do Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 chỉ huy, gồm có:
- Trung đoàn 44 đóng ở căn cứ 801 cách tỉnh lỵ Pleiku 20 cây số về phía tây.
- Trung đoàn 45 đóng ở căn cứ Gầm Ga, phía bắc quận Thuần Mẫn, gần đèo Tử Sĩ, dọc theo quốc lộ 14, giữa Ban Mê Thuột và Pleiku.
- Liên đoàn 25 Biệt động quân với ba Tiểu đoàn 67, 76 và 90 đóng tại Thanh An, phía tây Pleiku.
Sau này, Bộ Tổng tham mưu gởi thêm Liên đoàn 4 Biệt động quân đến Pleiku với Tiểu đoàn 42 đóng tại Ban Can phía đông Pleiku, trên quốc lộ 19; Tiểu đoàn 43 đóng tại Hàm Rồng và Tiểu đoàn 44 đóng tại Pleiku. Sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Liên đoàn 7 Biệt động quân được phái đến thay hai Trung đoàn 44 và 45 của Sư đoàn 23 để hai Trung đoàn này đi chiếm lại Ban Mê Thuột.
Bộ Tư lệnh hành quân của Sư đoàn 23 đặt tại Hàm Rồng, cách tỉnh lỵ Pleiku 12 cây số về phía nam, cùng với Tiểu đoàn 43 của Liên đoàn 4 Biệt Động Quân.
3. Mặt trận Ban Mê Thuột và Quảng Đức: Mặt trận này do Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 chỉ huy, gồm có:
- Trung đoàn 53 với hai Tiểu đoàn 1 và 3 đóng tại căn cứ B.50 ở phi trường Phùng Dực và Tiểu đoàn 2 đóng tại Dak Soong ở Quảng Đức.
- Liên đoàn 24 Biệt động quân với Tiểu đoàn 63 đóng tại Gia Nghĩa, hai Tiểu đoàn 81 và 82 đóng xung quanh Kiên Đức.
Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột.
II. Phối trí của phe cộng sản: Lực Lượng của phe cộng sản ở Cao Nguyên gồm có Sư đoàn 320 đóng ở Kontum, Sư đoàn F.10 hoạt động ở Pleiku, Sư đoàn 986 trú quân tại vùng Tam Biên Việt - Miên - Lào, Trung đoàn biệt lập 25, một trung đoàn khá thiện chiến, luôn quấy phá ở hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, và Trung đoàn đặc công 95-B, một trung đoàn rất thông thạo về địa hình ở Cao Nguyên, thường đóng ở phía đông Pleiku. Trung Tướng Hoàng Minh Thảo là Tư lệnh. Thiếu Tướng Vũ Lăng, Đại tá Phạm Hàm và Đại tá Nguyễn Lăng làm Tư lệnh phó. Đại tá Nguyễn Hiệp làm Chính ủy.
(Xin xem tiếp Phần 2 kỳ tới)
12/3/2015
Lữ Giang

No comments:

Post a Comment