Vụ ám sát chính khách dân chủ đối lập hàng đầu tại Nga Boris Nemtsov đã gây nên một cơn xúc động mạnh trên thế giới. Ông Nemtsov là một mẫu người Nga lý tưởng: Thông minh, học thức, hào hoa, lịch lãm, mạnh mẽ, cuốn hút, có tài hùng biện. Ông thành đạt rất sớm, 32 tuổi đã là thống đốc một tỉnh lớn của Nga. Ông là một trong những phó thủ tướng và bộ trưởng năng lượng trẻ nhất của Nga dưới thời tổng thống Yeltsin (En-xin).
Trong một cuộc phỏng vấn trước khi bị sát hại ông cho biết là cố tổng thống En-xin đã từng có ý định chọn ông làm người kế vị nhưng sau đó đổi ý chọn Putin. Ông cho rằng đây là quyết định sai lầm của En-xin. Nhận định của Nemtsov có đúng không thì chỉ cần vài năm nữa sẽ rõ. Khi Putin lên cầm quyền thì những người như Nemtsov hay cựu thủ tướng Kasianov bị loại bỏ khỏi bộ máy cầm quyền là đương nhiên. Từ đó đến nay Nemtsov được biết đến như là một trong những người lãnh đạo nổi bật của phong trào đối lập tại Nga. Vai trò của ông được dư luận chú ý đặc biệt gần đây khi cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine ngày càng leo thang trắng trợn. Năm ngoái ông đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính quyền Nga can thiệp vào Ukraine (ngày 21/9/2014) với khoảng 50.000 người tham dự. Năm nay, một hôm trước khi bị sát hại ông cũng là người kêu gọi biểu tình phản đối chiến tranh với Ukraine (ngày 1/3/2015). Ông cũng là người đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy sự can dự của quân đội Nga vào Ukraine, đây là điều mà chính quyền Putin luôn bác bỏ.
Cái chết của ông gây xúc động mạnh mẽ cho người dân Nga và cả thế giới. Ai là kẻ chủ mưu giết ông ta? Giết ông ta để làm gì? Đây là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Chính quyền Nga và những người ủng hộ Putin nhanh chóng qui kết trách nhiệm cho những người đối lập, thế lực thù địch và những người muốn tạo ra sự bất ổn cho nước Nga. Những người phản đối Putin thì cho rằng chính quyền đứng sau vụ ám sát này… Nếu khách quan mà nhận định thì có lẽ ông Putin sẽ không ra tay trong vụ này, vì như vậy khác gì lấy đá ghè chân mình. Đối lập và các “thế lực thù địch” lại càng không vì nếu điều tra ra hung thủ thì uy tín của họ sẽ ra sao?
Chúng tôi chia sẻ với đa số các nhà phân tích rằng vụ này có thể do các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan Nga gây ra. Với Putin thì đối lập Nga là những “con chó săn” của Phương Tây và Mỹ, là đội quân thứ năm, nằm vùng và phá hoại nước Nga, là những kẻ phản bội và là kẻ thù của nước Nga… Ngôn ngữ kích động về những kẻ “phản bộ tổ quốc”, tức là đối lập dân chủ Nga được bộ máy truyền thông Nga lặp đi lặp lại suốt thời gian qua và nó đã tạo ra một bầu không khí thù hận trong lòng xã hội Nga. Phát ngôn viên truyền hình Nga Ksenia Sobchak đã viết về vụ giết người này rằng: “Giết Boris Nemtsov, là hệ quả thực tế mà tổng thống Putin đã tạo ra ở nước Nga, một hệ thống "địa ngục", nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Trong thực tế, sẽ ít lo lắng hơn nếu như, vụ giết Nemtsov do Putin xếp đặt. Đó là điều khủng khiếp nhưng dù sao vẫn còn có một hệ thống. Một hệ thống được điều khiển: Ra lệnh và chấp hành. Nhưng có vẻ với tôi, điều này là không phải như vậy. Không phải Putin đã ra lệnh giết người, nhưng vì có Putin, người đã tạo dựng nên một hệ thống địa ngục và mất sự kiểm soát đối với nó...".
Cho dù Putin đã lên án mạnh mẽ cuộc sát hại Nemtsov và hứa sẽ nhanh chóng truy tìm thủ phạm để đưa ra trước công lý, tuy nhiên không mấy người Nga tin vào điều này. Đây không phải là lần đầu tiên một chính khách đối lập Nga bị sát hại. Chúng ta hãy cùng nhau điểm lại các vụ án nổi bật:
-Paul Klebnikov, 41 tuổi, một nhà báo Mỹ gốc Nga, tổng biên tập ấn bản tiếng Nga của tạp chí kinh tế Forbes bị ám sát bên ngoài văn phòng làm việc tối ngày 9/7/2004. Ông được cho là đã cố gắng tìm hiểu cách “đi đêm” của các nhà tài phiệt Nga với chính quyền Putin.
-Anna Politkovskaya, nữ phóng viên tờ Novaya Gzeta, năm 2006.Dư luận nghi ngờ rằng bà bị giết vì những tường thuật về cuộc chiến của Nga tại Chechnya, đặc biệt là tiết lộ về những tội ác của lính Nga với người dân Chechen.
- Alexander Litvinenko, cựu điệp viên KGB, năm 2006.Cựu trung tá thuộc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB), 43 tuổi, đã bị đầu độc bằng phóng xạ Polonium trong một quán rượu Sushi ở London, Anh. Sự việc xảy ra trước khi ông có buổi hẹn gặp với một đầu mối bí mật có thông tin về vụ ám sát nhà báo Nga Anna Politkovskaya.
-Natalya Estemirova, nhà hoạt động nhân quyền, năm 2009. Bà là một trong những nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu của tổ chức Memorial và là đồng nghiệp thân thiết của nữ nhà báo quá cố Anna Politkovskaya.
-Anastasia Baburova, phóng viên tờ Novaya Gzeta và Stanislav Markelov, luật sư, năm 2009.
-Luật sư Sergei Magnitsky. Ông bị bắt năm 2008 vì trốn thuế sau khi cáo buộc các quan chức cảnh sát Nga ăn cắp 230 triệu USD tiền bồi hoàn thuế. Ông chết trong tù vào năm sau đó, và được cho là bị tra tấn cũng như không được điều trị y tế…
Tất nhiên dù chính quyền có biện bạch thế nào đi nữa thì trách nhiệm chính trị của Putin cũng rất lớn trong những vụ sát hại này. Hầu hết những kẻ chủ mưu các vụ án nghiêm trọng như vậy không bao giờ được tìm thấy và rồi tất cả chìm vào bóng tối.
Phe đối lập Nga đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết và thống nhất đội ngũ sau cuộc sát hại Nemtsov. Tuy nhiên câu chuyện về đối lập Nga vẫn còn tiếp diễn. Một thực tế mà ai cũng thấy được đó là dân chủ đối lập Nga còn yếu và ảnh hưởng của họ lên dư luận còn hạn chế. Vì sao lại như vậy? Dù Nga đã có đa đảng và cởi mở ít nhiều về chính trị sau khi Liên Xô tan vỡ năm 1991? Vì sao trong hàng ngũ đối lập Nga có nhiều nhân vật rất nổi tiếng như Nemtsov, cựu thủ tướng Kasianov, vua cờ tướng Karpov, tỉ phú giàu nhất nước Nga Khodorkovsky, Navalny… Nguyên nhân chủ yếu khiến đối lập Nga chưa thành công mà ai cũng thấy được, đó là họ vừa yếu vừa chia rẽ. Vì sao lại có chuyện đó? Câu trả lời không khó nhưng để làm được lại không dễ: Họ không có một Dự Án Chính Trị chung để gắn kết những người cùng lý tưởng lại với nhau.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thường xuyên lên tiếng và kêu gọi trí thức Việt Nam đứng dậy nhận lãnh vai trò và sứ mệnh của mình là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng. Điều này nhà tư tưởng Phan Châu Trinh cũng đã kêu gọi cách đây gần trăm năm với câu nói nổi tiếng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tuy nhiên có một câu hỏi, nghe có vẻ kỳ cục nhưng là một câu hỏi đúng và không nhiều người biết được câu trả lời: Trí thức dẫn dắt người dân vậy ai dẫn dắt trí thức?Người “dẫn dắt” trí thức phải có và đó là “các nhà tư tưởng chính trị”.
Nước Nga không có các nhà tư tưởng chính trị thực sự (Lev Tolstoi là nhà tư tưởng xã hội, Gogol là nhà tư tưởng tôn giáo…). Lê-nin chỉ là một trùm khủng bố, học thuyết và tư tưởng Mác-Lênin chỉ là cái áo choàng hoang tưởng mà Lê-nin mượn của Mác để khoác lên người mình.
Nhà tư tưởng chính trị có thể hiểu giản dị rằng: Họ là những người uyên bác, có viễn kiến và những đóng góp của họ có tác dụng khai phóng và giúp cho một dân tộc (hay cả nhân loại) mở ra một nền văn minh mới, tiến bộ hơn, nhân bản hơn.
Chúng ta thấy rằng những nước Phương Tây phát triển nhất là những nước có nhiều nhà tư tưởng chính trị nhất như Anh, Pháp, Đức…
Đấu tranh dân chủ là gì? Đâu là bản chất và nguyên tắc của đấu tranh dân chủ? Theo chúng tôi thì bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là: ‘Mỗi một tổ chức chính trị dân chủ sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ mới và có những khác biệt so với những chính sách hiện hành, thuyết phục người dân đồng ý và sau đó là vận động tranh cử và dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử dân chủ để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị đó’.
“Giải pháp thay thế” của các tổ chức chính trị là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất bắt buộc phải có, không có không được. Người dân cần biết là cái gì sẽ thay thế cho cái cũ? Đâu là những giá trị mà một tổ chức dân chủ muốn hướng tới trong tương lai? Quyền lợi và chổ đứng của mỗi người, mỗi tầng lớp sẽ là gì? Ở đâu?... Người dân rất thực dụng, họ muốn mọi thay đổi phải đem lại lợi ích cụ thể cho chính họ và đây là nhiệm vụ phải làm của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập.
Đấu tranh dân chủ ở các nước đã có dân chủ là như vậy, tuy nhiên ở Việt Nam thì có khác vì lực lượng dân chủ vẫn bị ĐCSVN cấm đoán, bắt bớ và đàn áp cho nên việc ‘giới thiệu’ các ‘giải pháp chính trị’ của các tổ chức dân chủ gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế và phải đi đường vòng, qua các trang mạng xã hội hay truyền miệng từ người này qua người khác chứ không thể công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cho dù như vậy thì ‘nguyên tắc và bản chất’ của cuộc đấu tranh dân chủ là không thay đổi. Rất tiếc là vẫn có những tổ chức dân chủ và những người đấu tranh dân chủ không hiểu điều này nên đã có không ít lời kêu gọi ‘phải hành động’. Hành động ở đây được hiểu như là những hành động gây tiếng vang, sự chú ý và thậm chí là cả bạo lực. Phải nhớ rằng bạo lực là hành động và phương tiện của các tổ chức khủng bố. Nó không được thế giới văn minh thừa nhận và nó không mang lại dân chủ cho bất cứ dân tộc nào.
Thất bại của đối lập Nga là họ không có một “Dự án chính trị” chung nên họ không thể tập hợp được lực lượng và vì thế họ không thuyết phục được người dân Nga. Đối tượng đầu tiên mà một dự án chính trị cần thuyết phục phải là tầng lớp trí thức, sau đó nó sẽ lan tỏa dần đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Phong trào đối lập dân chủ Việt Nam có những điểm giống và khác với Nga. Giống nhau ở chỗ là dân trí người dân vẫn còn thấp do họ sống quá lâu dưới chế độ độc tài toàn trị nên bị tẩy não và mất đi khả năng suy nghĩ độc lập. Tầng lớp trí thức thì vẫn chưa vượt qua được bản thân mình. Không ít người có học thức, bằng cấp, địa vị nhưng tâm hồn chai sạn, trí tuệ xơ cứng và lương tri cằn cỗi. Họ cố tình chối bỏ những sự thật đang diễn ra trước mắt để rồi ra sức bao biện và ủng hộ cho chính quyền độc tài toàn trị. Họ hèn nhát và thiếu lương thiện.
Các lực lượng dân chủ đối lập Việt Nam cũng chưa mạnh mẽ và tự tin để xác quyết căn cước, vị thế và trách nhiệm của mình trước người dân Việt Nam. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị đầu tiên xác quyết rằng chúng tôi là “đối lập dân chủ” của Việt Nam. Tập Hợp đấu tranh bài bản và có những bước đi cụ thể. Một trong những đóng góp quan trọng của Tập Hợp là đã cho ra đời một Dự Án Chính Trị đầy đủ và hoàn thiện. Đây là một “giải pháp thay thế” khả thi cho “giải pháp cộng sản”. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục giới thiệu với người dân Việt Nam. Chúng tôi hy vọng giải pháp này sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng tình của mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là tầng lớp trí thức. Nếu đa số người dân Việt Nam đồng ý và đồng thuận với “giải pháp dân chủ đa nguyên” của chúng tôi thì thay đổi chắc chắn sẽ đến.
Một ưu điểm của phong trào dân chủ Việt Nam mà chúng tôi cho rằng vượt trội đối lập Nga đó là truyền thông lề trái, đối lập với chính quyền Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, thuyết phục và có thể chiến thắng truyền thông chính thống. Mạng xã hội ảo ngày càng lớn mạnh và có ảnh hưởng đến dân chúng trong cuộc sống thật. Giới trí thức trẻ Việt Nam, những người trong sáng, lương thiện và đầy nhiệt huyết dấn thân cho dân chủ ngày càng nhiều.
Phong trào dân chủ Việt Nam chỉ còn một việc quan trọng phải làm trước mắt là tập hợp lại với nhau trong một tổ chức chính trị dân chủ để làm cho tổ chức đó trở nên hùng mạnh và có tầm vóc. Chỉ khi đó mới có thể gây áp lực buộc chế độ toàn trị thay đổi về hướng dân chủ.
Chúng tôi tin là thời gian đã làm gần xong công việc của nó, những người dân chủ Việt Nam sẽ sớm biết công việc mà mình cần phải làm tiếp theo là gì!
Việt Hoàng
No comments:
Post a Comment