Wednesday, March 11, 2015

Tăng giá điện vô lý và khó hiểu

Anh Vũ, thông tín viên RFA

Theo nhiều chuyên gia, tăng giá điện một cách không đúng quy luật của nó, không đúng với quyết định 24 là vô lý (ảnh minh họa).
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
Giá điện bình quân năm 2015 sẽ tăng 7,5% sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 16.3 tới, với lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kinh doanh lỗ. Tuy vậy, Thanh tra Chính phủ cho rằng lỗ là do EVN kinh doanh thiếu hiệu quả, thậm chí giá thành bán điện còn bao gồm cả giá thành xây biệt thự, sân tennis…
Việc tăng giá điện của EVN vào thời điểm này có hợp lý hay không?
Thực trạng của nền Kinh tế VN, đó là một nền kinh tế theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, có rất nhiều doanh nghiệp độc quyền có quyền lực rất lớn tới mức nhà nước khó có thể kiểm soát được.
Tăng giá điện 7,5% là vô lý
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh điện lực độc quyền ở trong tình trạng như vậy.
Đầu năm 2015, EVN cho biết ngành điện gặp thách thức lớn vì phải xử lý khoản lỗ từ nhiều năm trước gộp chung với năm 2014, thành con số gần 17.000 tỷ VND. Do vậy, theo họ việc tăng giá điện lần này là yêu cầu bức thiết.
Tuy vậy trước đây không lâu, Thanh tra Chính phủ đã kết luận cho rằng EVN lỗ là do đầu tư ngoài ngành thiếu hiệu quả, thậm chí giá thành bán điện còn bao gồm cả giá thành xây biệt thự, sân tennis…
Nhận định về việc EVN tăng giá điện lần này, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết:
“Việc tăng giá điện lần này với mức tăng giá 7.5% là quá cao so với một lần tăng giá và sẽ gây sức ép rất lớn cho rất nhiều doanh nghiệp. Ngành điện khi xin tăng giá vẫn chưa giải trình về cơ cấu giá thành như thế nào và cũng không giải trình rõ các vấn đề như năng xuất lao động, giảm biên chế hay giảm tiêu hao sẽ được thực hiện như thế nào? Do vậy, cho đến nay rất nhiều doanh nghiệp không hài lòng và người dân cũng hết sức lo lắng bởi vì tự nhiên họ phải tăng thêm chi phí. Như vậy việc này sẽ chắc chắn làm cho lạm phát tăng lên”.
Trả lời câu hỏi giá thành bán điện được EVN tính dựa trên các nguyên tắc và cơ sở nào?
EVN đã hạch toán đầy đủ mọi chi phí trong giá thành bán điện, bao gồm cả các chi phí phát sinh. Một lãnh đạo phụ trách kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị dấu danh tính cho biết:
“Giá điện phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nghĩa là giá điện phải phản ảnh được hết các chi phí sản xuất ra điện năng. Thứ hai là, giá điện phải phát đi tín hiệu, để làm sao cho mọi người trong xã hội dân cư hay các khu vực doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng một cách hợp lý và tiết kiệm nhất. Việc điều chỉnh giá điện phải phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội ở từng thời điểm, để không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt là những người có thu nhập thấp”.
Việc điều chỉnh tăng giá điện một cách không đúng quy luật của nó, không đúng với quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ là một việc làm tiền hậu bất nhất, mà không đúng với quy luật của kinh tế thị trường
TS. Ngô Trí Long
Theo VnEconomy online, liên quan đến quyết định tăng giá điện 7,5% vừa qua của Tập đoàn điện lực VN, chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc tăng giá lần này là hết sức vô lý. Theo ông, EVN nhất thiết phải giải trình lý do tại sao lại làm ăn thua lỗ, con số lỗ cụ thể là bao nhiêu, chứ không thể giấu nhẹm đi các số liệu liên quan để báo lỗ và để rồi đòi tăng giá điện như vậy.
Trong bối cảnh hiện tại, tài nguyên sẵn có như  nước rất dồi dào và giá xăng, dầu đều giảm. Với lý do việc làm ăn thua lỗ, rồi đề xuất tăng giá điện như vậy của EVN là điều thực sự vô lý. Chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long nhận định:
“Điện chịu ảnh hưởng của giá dầu khí, trong bối cảnh giá dầu giảm rất mạnh thì chắc chắn không ảnh hưởng mà thậm chí còn giảm, còn đối với giá than thì tăng lên, có điều chỉnh chút ít nhưng cũng đáng. Trong bối cảnh như vậy thì ý kiến EVN đề nghị tăng giá mà tăng với một mức rất cao so với giá biến động của đầu vào. Hơn nữa chúng ta không phải vì trong bối cảnh chúng ta đã kiểm soát được lạm phát rất thấp, mà nhân cơ hội này để điều chỉnh tăng giá điện. Mà việc điều chỉnh tăng giá điện một cách không đúng quy luật của nó, không đúng với quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ là một việc làm tiền hậu bất nhất, mà không đúng với quy luật của kinh tế thị trường”.
Tập đoàn độc quyền không có sự giám sát
Khi được hỏi, nguyên nhân do đâu EVN có thể tùy tiện tăng giá bán điện, khi kinh doanh không hiệu quả và vai trò quản lý nhà nước như thế nào?
Tập đoàn Điện lực là một tập đoàn độc quyền và không có sự giám sát gì cả. Đây là một thực trạng của nền Kinh tế VN, đó là một nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng có rất nhiều doanh nghiệp độc quyền rất quyền lực, rất có thế lực không thể kiểm soát được.
TS. Lê Đăng Doanh
Từ trước đến nay, trong việc quản lý giá bán điện chưa có cơ quan nào đủ tin cậy để thẩm định giá điện  chính xác và thông số về giá điện vẫn dựa chủ yếu vào những số liệu do EVN cung cấp. Còn Bộ Công thương thì luôn sẵn sàng thông qua các đề xuất tăng giá của ngành điện.
TS. Lê Đăng Doanh khẳng định:
“Điều đó diễn ra là vì Tập đoàn Điện lực là một tập đoàn độc quyền và không có sự giám sát gì cả. Cái Cục Quản lý cạnh tranh là một cục thuộc Bộ Công thương, trong khi ông Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực thì được mời về là Thứ trưởng Bộ Công thương. Vì vậy cho nên dễ hiểu rằng Cục Quản lý cạnh tranh không có tiếng nói gì trong việc kiểm soát Tập đoàn Điện lực này. Đây là một thực trạng của nền Kinh tế VN, đó là một nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhưng có rất nhiều doanh nghiệp độc quyền rất quyền lực, rất có thế lực không thể kiểm soát được. Điều đó làm cho người dân hết sức quan ngại và thắc mắc, không rõ rằng những chi phi và lỗ lã đó sẽ được hạch toán như thế nào”.
Nói về những giải pháp cần thiết của nhà nước, để phá vỡ thế độc quyền đối với các doanh nghiệp như EVN, nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp độc quyền cứ kêu lỗ, cứ báo lỗ rồi bắt dân phải gánh chịu. Đồng thời để đảm bảo đúng nguyên tắc kinh doanh theo cơ chế thị trường,
TS. Lê Đăng Doanh cho biết:
“Cần phải có một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập và trực thuộc Quốc hội, và phải sửa đổi Luật Cạnh tranh, để Luật này có những điều khoản về giám sát các tập đoàn độc quyền một cách hiệu lực hơn. Muốn vây phải đưa Cục Quản lý Cạnh tranh ra khỏi Bộ Công Thương và trở thành một cơ quan độc lập như Kiểm tóan Nhà nước hiện nay, trực thuộc Quốc hội và hoạt động theo luật pháp”.
Trong nền kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh lành mạnh của các thành phần kinh tế, thì việc chống kinh doanh độc quyền là điều hết sức cần thiết. Việc tính toán giá bán sản phẩm không chỉ dựa trên cơ sở tính đúng, tính đủ mà còn phải cân nhắc tới sự phù hợp vì lợi ích của các bộ phận khác nhau trong xã hội. Điều quan trọng là, các hoạt động này cần phải được giám sát bởi các cơ quan giám sát độc lập, để đảm báo tính công khai và minh bạch.
A.V.
Nguồn:  http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/risin-electr-price-n-confusing-03102015061905.html

No comments:

Post a Comment