Saturday, March 21, 2015

Câu chuyện của tám năm về trước: ngày đầu tiên bị bắt (Nguyễn Văn Đài)


Vào 0 giờ ngày 6 tháng 3 năm 2015, tôi kết thúc 4 năm tù, 4 năm quản chế của một bản án vô lý và bất công. Tám năm là một khoảng thời gian khá dài với cuộc đời của một con người, mà đó lại là khoảng thời gian mất tự do và chịu biết bao gian khổ. Nhưng 8 năm gian khó đó đã không thể huỷ diệt lý tưởng đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ và công bằng. Thượng Đế không bao giờ để những người mà Ngài đã lựa chọn phải chịu đựng quá sức của họ. Thượng Đế chỉ đặt để tôi vào những hoàn cảnh khó khăn, thử thách giúp cho tôi rèn luyện được bản lĩnh, nâng tầm trí tuệ, tích lũy nghiệm để tiếp tục đi trên con đường mà mình đã lựa chọn. Tôi đã kinh nghiệm được sự bảo vệ, che chở của Ngài trong những lúc gian nan nhất. Tôi xin kể lại câu chuyện về ngày đầu tiên bị bắt:
Ngày 6 tháng 3 năm 2007, biến cố và thử thách lớn đã đến với gia đình và cá nhân tôi.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, sáng này hôm đó, gia đình tôi quyết định động thổ để xây dựng căn nhà tại bán đảo Linh Đàm. Bảy giờ sáng, hai vợ chồng tôi đi xe máy từ Bách khoa để tới khu Linh Đàm, phía sau là một tốp an ninh đi theo, cách đi theo của họ khác hẳn mọi lần trước, họ bám sát và không có ý che dấu việc theo dõi. Tôi cảm nhận có chuyện gì không hay sắp xảy ra. Nhưng vẫn tự nhủ, chắc vẫn như mọi khi.
Chúng tôi tơi khu đất của gia đình và chuẩn bị để tiến hành khoan giếng và đào móng. Tới 9:30, tôi nhận được điện thoại của anh Việt Hùng, phóng viên của RFA phỏng vấn tôi về buổi làm việc sắp tới với Đoàn Luật sư thành  phố Hà Nội. Vừa kết thúc phỏng vấn thì Bạch Ngọc Dương gọi điện báo tin nhà Luật sư Lê Thị Công Nhân bị nhiều an ninh bao vây, và đang đọc lệnh bắt và tạm giam 4 tháng. Vừa lúc đó tôi nhìn thấy 1 chiếc xe 7 chỗ biển xanh đang tiến về phía tôi. Tôi chỉ kịp nói với Dương là họ cũng đang đến bắt anh rồi, em báo cho mọi người biết. Đúng lúc đó, trung tá Hảo, đội trưởng an ninh điều tra của thành phố Hà Nội đến và nói tôi đi về nhà  để làm việc. Tôi chỉ biết thầm cầu nguyện với Chúa là điều gì đến thì đã đến, chỉ xin Chúa hãy bảo vệ và che chở cho con trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Họ đưa tôi về qua công an phường, rồi về nhà, sau đó đọc lệnh bắt và tạm giam 4 tháng để điều tra theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Khoảng hơn 1 giờ chiều thì họ đưa tôi tới trại tạm giam số 1 công an Hà Nội. Sau khoảng 2 tiếng làm thủ tục thì họ bàn giao cho quản giáo đi tôi vào buồng giam. Trên đường đi tới buồng giam, tôi phải đi qua khu giam giữ những người có từ 2 tiền án trở lên. Họ cởi trần với hình xăm đầy mình, họ bám vào cửa sổ và hét lên: “thằng kia cởi áo cho tao,… quì xuống,… đưa cho tao quần áo,…”. Người thần kinh yếu chắc té xỉu. Tôi chỉ nói với Chúa rằng tất cả mới chỉ bắt đầu, những thử thách, khó khăn lớn lao hơn còn đang ở phía trước. Xin Chúa hãy ở cùng con.
Họ đưa tôi vào buồng giam chung với khoảng gần 30 người đang bị điều tra về đủ loại tội phạm như: lừa đảo, cướp, đánh bạc, hiếp dâm, ma túy, trộm cắp,…. Tôi bước vào buồng giam, mọi người đều rất chăm chú nhìn tôi. Sau khi quản giao đi khỏi, một anh nói giọng miền Nam hỏi tôi: “anh là Việt Kiều à?” Tôi trả lời không và rất ngạc nhiên khi anh ta lại nghĩ tôi là Việt Kiều. Họ mang tới cho tôi một tô cơm, với mấy miếng thịt lợn kho, vài miếng bắp cải luộc. Họ nói đây là bữa tối của tôi. Tôi hỏi họ là sao mới hơn 4 giờ chiều mà ăn tôi sớm vậy? Họ nói ở đây thường bắt đầu ăn tối lúc 3 giờ chiều và mọi người đã ăn xong rồi. Bụng chưa đói, nhưng mệt mỏi sau một thời gian khá căng thẳng, tôi nghĩ mình cần phải ăn để giữ sức khỏe, thử thách mới chỉ bắt đầu. Tôi cầu nguyện và cố gắng ăn hết nửa tô cơm.
Bảy giờ tối, mọi người ai về chỗ nằm của người đó, họ sắp xếp cho tôi nằm cạnh một cậu thanh niên bị điều tra do lái xe lấn đường đâm chết người và một cậu bị điều tra do lừa đảo xuất khẩu lao động.
Chú Thành khoảng gần 60 tuổi, là người trực buồng, chú đang bị điều tra về hành vi lừa đảo. Chú mời tôi lên uống nước, và giới thiệu một số người trong buồng. Trương Minh Đức, cậu thanh niên người miền Nam, lúc chiều hỏi tôi là “Việt Kiều”. Cậu ấy hỏi tôi lý do làm sao bị bắt, tôi kể cho mọi người trong buồng nghe về công việc của tôi. Họ rất ngạc nhiên là những việc tôi làm rất tốt mà lại bị bắt. Tôi mừng thầm trong bụng vì họ đã đồng cảm với công việc của tôi. Sau đó, tôi mới hỏi Đức là tại sao lúc chiều lại hỏi tôi có phải Việt Kiều không.
Cậu ta mới kể lại cho tôi là lúc đầu giờ chiều, trước khi tôi bị đưa vào buồng giam. Giám thị, quản giáo đã đến xem xét từng buồng giam, và cuối cùng chọn buồng này để giam một bị can đặc biệt. Quản giáo nói với họ: “đây là một người đặc biệt, cấm tất cả mọi người trong buồng hỏi về tội danh đang bị điều tra, cấm nói chuyện. Không được nghe người người này tuyên truyền. Và phải chú ý, theo dõi mọi hành động, lời nói, có gì phải báo cáo quản giao ngay.”
Chuyện này với họ chưa từng bao giờ xảy ra, vì có người đang bị tạm giam ở đó tới gần 2 năm. Trước khi tôi tới, họ tranh luận với nhau xem người sắp bị đưa tới là ai mà đặc biệt vậy. Cuối cùng họ kết luận chỉ có thể là Việt Kiều.
Tôi nói với họ là quản giáo đã cấm nói chuyện và hỏi tôi. Tại sao các anh lại nói chuyện và hỏi tội danh của tôi?
Đức nói là thấy tôi rất hiền lành và dễ mến, không thấy tôi có gì nguy hiểm cho họ cả. Và họ rất tò mò, thắc mắc về những gì quản giáo đã nói với họ.
Tôi hỏi là sau khi các anh đã biết về câu chuyện của tôi, các anh có sợ không? Họ nói không sợ và nếu họ có sự hiểu biết như tôi, thì họ cũng sẽ làm và hành động như vậy. Họ nói thêm là từ nay, họ sẽ giúp đỡ tôi để làm quen với cuộc sống khắc nghiệt trong trại tạm giam. Cần gì thì họ sẽ giúp đỡ.
Chín giờ tối, tôi trở về chỗ ngủ. Tôi cầu nguyện cảm ơn Chúa vì dù trong hoàn cảnh khó khăn, Chúa đã đặt để bên cạnh tôi những người tốt. Tôi vô cùng yên tâm rằng mình đã được những người cùng buồng giam hiểu và thông cảm. Họ sẽ bảo vệ mình thay vì phải lo sợ có những người đánh lén như những câu chuyện từng nghe.
Tôi ngủ một mạch đến khi bị đánh thức dậy vào 6 giờ sáng hôm sau. Kết thúc một ngày đầu tiên trong trại giam Hoả Lò. (Còn tiếp)
Luật sư Nguyễn Văn Đài
Bài viết được tác giả gởi đến SBTN

No comments:

Post a Comment