Chỉ cần nhìn lại - một cách ngẫu nhiên - mỗi lãnh vực một vấn đề nổi cộm thì đã thấy chúng ta đang thiếu sự suy nghĩ thấu đáo, sự thảo luận nghiêm túc và sự trăn trở tìm giải pháp buộc phải có.
Ví dụ, trong y tế, có lẽ chưa ai tìm hiểu xem đằng sau sự cam kết của một số bệnh viện không còn để cảnh vài ba bệnh nhân nằm chung giường là giải pháp gì? Nếu không xây thêm phòng, không thêm giường bệnh mà vẫn “cam kết không nằm ghép” thì chỉ có nghĩa đẩy một số bệnh nhân ra khỏi bệnh viện mà thôi. Như vậy, giải quyết một hiện trạng bằng biện pháp hình thức liệu có phải là giải pháp đúng đắn, lâu bền và có lợi cho xã hội không? Liệu việc cố tình làm đẹp bộ mặt của ngành y tế có gây hại cho người dân khi tước đi quyền được điều trị của họ hay không? Đây là một vấn đề hoàn toàn có thể tranh luận và cùng nhau tìm lời giải, vừa hỗ trợ ngành y tế, vừa nâng cao nhận thức của người dân trong lãnh vực y tế thiết thân với mọi người.
Trong giáo dục, đang có tâm lý bức xúc của giáo viên tiểu học khi phải nhận xét học sinh khá nhiêu khê và phức tạp thay vì cho điểm rất đơn giản và nhẹ nhàng. Liệu sự bức xúc của giáo viên là do thêm việc hay họ lo lắng thật sự cho động lực học tập của học sinh? Liệu việc bỏ cho điểm học sinh tiểu học, một việc được tán thành ở các nước phát triển mấy năm gần đây, có phải là quá vội vã ở Việt Nam hay liệu thầy cô có quá trì trệ, bảo thủ không theo kịp xu hướng thời đại?
Không những hàng trăm hiệu trưởng im lặng trong cuộc họp liên quan đến vấn đề này - công luận dường như cũng thiếu vắng các ý kiến tranh biện để nhanh chóng giải quyết một câu chuyện đang là niềm băn khoăn của cả thầy cô giáo và phụ huynh cũng như học sinh.
Kinh tế là lãnh vực có rất nhiều chuyện nổi cộm nhưng chỉ đơn giản một chuyện thôi: trong khi đồng tiền các nước đang giảm giá mạnh so với đô la Mỹ, tiền đồng Việt Nam hầu như giữ nguyên giá trị so với đô la Mỹ. Thế thì điều đó có lợi hay hại; lợi thì lợi cho ai và hại cho ai - hầu như công luận không có một tiếng bàn luận nào!
Chưa kể các vấn đề dài hơi hơn như làm thế nào để thành quả phát triển kinh tế đến tay mọi người công bằng hơn; làm thế nào để cơ hội san sẻ đồng đều cho mọi người chứ không phải chỉ một thiểu số biết “bắt tay” với quyền lực...
Thế mà công luận đang bàn chuyện gì? Cái này không cần liệt kê ra, những ai theo dõi dòng chảy của công luận đều biết rõ. Không thể võ đoán chuyện này quan trọng hơn chuyện kia nhưng rõ ràng đang có sự mất quân bằng rất đáng ngại.
Ở các nước, người ta có thể đổ xô đi coi “Fifty Shades of Grey” nhưng người ta vẫn trao giải cho “Birdman”; báo chí nước họ bình luận chuyện tài tử này hôn má tài tử kia nhưng đồng thời báo chí họ cũng đưa đậm về tương lai của ngành ô tô khi khái niệm “không người lái” đang dần chiếm ưu thế.
Đó là sự quân bình cần thiết của một xã hội bình thường. Và đó mới là sự đáng ngại của tương lai nền báo chí nước nhà khi nó không đóng vai trò dẫn dắt được công luận chứ không phải chuyện báo mạng, báo in.
No comments:
Post a Comment