Saturday, March 7, 2015

Phiếm: Ba cách để có quyền lực

06-03-2015
Hôm nọ, dự lớp học về “leadership” do Viện mời khách ngoài đến giảng cho các giáo sư đứng đầu lab nghiên cứu, tôi thấy có một điều đáng nhớ. Ông giảng viên là một chuyên gia về quản lí nhân sự, đã gần 70 tuổi, nhưng rất nhanh nhẹn và thông minh. Ông còn tỏ ra có kiến thức rất uyên bác. Tôi chỉ nhớ ông nói rằng có 3 cách để có quyền lực: thuyết phục, tiền bạc, và bạo lực. Các băng đảng và nhà nước đều dùng 3 phương tiện này.
Ông chỉ ra rằng các đảng chính trị thì dùng lí lẽ để thuyết phục quần chúng. Họ thuyết phục qua viễn kiến, chính sách, và con người. Các băng đảng buôn lậu thì dùng tiền làm phương tiện mua quyền lực. Các băng đảng kiểu Mafia thì dùng bạo lực để gây ảnh hưởng và thu tóm quyền lực. Họ có khi rất manh động và lưu manh, chỉ cần bắn giết vài người một cách dã man (như Nhà nước Hồi giáo IS) là họ được người ta sợ và thế là có quyền lực.
Dùng mô hình đó, ông nói thêm về sự khác biệt giữa các nước trên thế giới. Chẳng hạn như ở các nước dân chủ (chủ yếu là phương Tây), giới chính trị gia có quyền qua thuyết phục dân chúng bầu cho họ. Họ phải thuyết phục cử tri rằng họ là người có năng lực cao, có tầm nhìn, có đạo đức, và ý muốn phụng sự xã hội – cộng đồng. Họ phải tự chứng minh là có khả năng điều hành đất nước theo một chương trình nghị sự. Khi đắc cử thì họ có quyền và có “mandate”. Một số nước kém dân chủ hơn thì dùng tiền để mua quyền lực. Một ví dụ tiêu biểu là Kampuchea và một số nước ở Nam Mĩ, nơi mà chính trị gia có thể dùng tiền để mua quyền lực. Còn ở các nước cộng sản thì đơn giản hơn: họ dùng bạo lực để thu tóm quyền lực. Tiêu biểu là câu tuyên bố của Mao Trạch Đông : “Quyền lực chính trị được bắt đầu từ họng súng”.
Tôi tự nhiên liên tưởng đến VN, nơi mà cả 2 phương tiện tiền và bạo lực đều được dùng để có quyền lực. Đầu tiên là dùng bạo lực để cướp chính quyền. Khi đã thu tóm chính quyền trong tay, tiền bạc được sử dụng để mua quyền chức. Do đó, làm chính trị gia ở VN có vẻ dễ hơn các đồng nghiệp của họ ở các nước phương Tây.

No comments:

Post a Comment