Trang Trần đã tại ngoại trong khi một người ở Hà Tĩnh tử vong tại đồn công an
Truyền thông Việt Nam mấy ngày qua nhắc tới hai vụ nổi bật liên quan tới công an, vụ bắt người mẫu Trang Trần và vụ người dân tử vong tại đồn công an ở Hà Tĩnh.
Quyền lực của công an là chủ đề của Bàn tròn thứ Năm được phát trực tiếp tạihttp://bit.ly/1BSt1Dm từ 19:30-20:00 thứ Năm ngày 5/3.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 3/3, Luật sư Trần Vũ Hải nói chỉ trong những trường hợp nhất định người dân mới có thể bị áp giải về đồn công an.
“Lúc nào họ cũng có quyền mời mình cả nhưng họ [chỉ có thể bắt buộc phải về đồn qua] áp giải … khi mình có hành vi gây rối hoặc đả thương người khác.
“Còn trong tất cả những trường hợp khác nếu có vi phạm thì lập biên bản tại chỗ.
“Nếu hình sự, đấm đá lớn, thì không nói làm gì. Đương nhiên theo luật bắt quả tang người ta vẫn mang về đồn được…
“Còn những hành vi chỉ nói [tục] như thế thôi [trong vụ Trang Trần] thì tôi cho rằng là không áp giải được.
“Người dân ở Việt Nam [khi bị] cưỡng chế các thứ người ta cứ chửi bới, v.v. nếu mà cứ [bắt] hàng chục người dân như thế nhét hết vào thì đâu đủ sức.”
Trong vụ liên quan tới người mẫu Trang Trần, cảnh sát đã quyết định đưa cô về đồn ngay sau khi cô có những lời lẽ lăng mạ lực lượng cảnh sát sáng sớm hôm 27/2.
Khi một người ‘tự quản’ tiếp cận cô đã ‘tát’ vào mặt người này và sau đó đá về phía một công an khác trong khi đang bị bẻ quặt hai tay ra sau.
Ông Hải cũng nói để giữ người dân tại đồn cần có lệnh của trưởng công an phường và để “bắt khẩn cấp”, điều mà báo chí Việt Nam nói công an Việt Nam đã thực hiện với Trang Trần, cần có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát trong vòng 24 giờ.
Vị luật sư cũng dẫn lời một người hiểu luật giao thông nói ngay cả lỗi của lái xe đi vào đường cấm, vốn là lý do khiến Trang Trần xuống xe và xin cho người này, cũng không phải là lỗi mà công an có thể buộc lái xe về đồn.
Ngoài ra ông Hải cũng đặt câu hỏi về chuyện liệu công an phường có thẩm quyền để xử lý lỗi vi phạm giao thông hay không.
Chết trong đồn công an
Một ngày sau khi Trang Trần bị bắt, một người dân ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị bắt đưa về công an lúc 4h sáng ngày 28/2 vì ‘tội đánh bạc’ với tang vật là một bộ bài và 72.000 đồng theo báo Thanh Niên.
“Đến khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, thấy sức khỏe của anh [Nguyễn Văn] Tình có biểu hiện bất thường, mặt mày xanh tái nên công an xã đưa anh tới trạm y tế xã thăm khám. Khoảng 1 giờ sau, anh Tình tử vong trên đường chuyển tới Bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh cấp cứu,” Thanh Niên viết.
Báo này cũng dẫn lời công an địa phương nói một công an xã thú nhận đã “tát nhẹ” ông Tình, 39 tuổi.
Hồi đầu năm 2013, BBC Tiếng Việt cũng đưa tin về vụ tử vong của một người đàn ông 39 tuổi khác trong đồn công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Vụ việc được chủ tịch tỉnh giải thích là do người dân “tự đút tay vào trong điện” và truyền thông địa phương cũng không ngay lập tức vào cuộc.
Tự quản và công vụ
Trong vụ của người mẫu Trang Trần cũng có câu hỏi lực lượng tự quản có phải là lực lượng thi hành công vụ không.
Người mẫu thú nhận đã “tát” vào mặt một người thuộc lực lượng tự quản khi anh này tiếp cận.
Thực ra nhân viên tự quản cũng không rõ là [có] chế định pháp lý [như thế nào], tôi tìm hiểu thì cũng không thấy văn bản nào nói về tự quản. … Tự quản là những người trong khu dân cư nhất định nào đấy, người ta đứng ra làm nhiệm vụ tuần tra đi lại trong khu của mình… nôm na là như thế nhưng nói bằng văn bản tôi cũng chưa thấy có.Luật sư Trần Vũ Hải
Về vấn đề này, luật sư Trần Vũ Hải giải thích:
“Thực ra nhân viên tự quản cũng không rõ là [có] chế định pháp lý [như thế nào], tôi tìm hiểu thì cũng không thấy văn bản nào nói về tự quản.
“Thế nhưng trong thực tế thì người ta hiểu là Việt Nam có [những người] như dân phòng chẳng hạn nhưng dân phòng [hoạt động cùng lực lượng phòng cháy] chữa cháy.
“Nhưng người ta cũng hay huy động để làm việc khác ngoài phòng chữa cháy.
“Còn tự quản là những người trong khu dân cư nhất định nào đấy, người ta đứng ra làm nhiệm vụ tuần tra đi lại trong khu của mình… nôm na là như thế nhưng nói bằng văn bản tôi cũng chưa thấy có.”
Ông Hải nói những thành phần tự quản có thể được tiền “bồi dưỡng” từ quỹ trật tự an ninh của mỗi phường và nói thêm:
“Tự quản [thường] đến lượt anh nào anh đấy đến nhưng nhiều anh trở thành bán chuyên nghiệp.
“Nhiều anh không có công ăn việc làm hay được huy động trở thành nhân viên tự quản.
Trước câu hỏi nhân viên tự quản có phải là người thi hành công vụ không, ông Hải nói:
“Quan điểm của tôi là không. Còn nếu giả sử ai người ta nói đó là công vụ thì phải nói rõ họ dựa theo quy chế nào để xác định đấy là công vụ và phải có hợp đồng giao vụ việc.
“Thực tế không có điều đấy và thực tế như tôi đã nói cũng không có văn bản pháp lý nào để nói việc đấy nên đây là hoàn toàn tự phát.”
No comments:
Post a Comment