Friday, March 6, 2015

4 mưu đồ của Trung Quốc khi biến đảo chìm thành đảo nổi

Résultat de recherche d'images pour "expansion de la chine en extreme orient"…những điểm đảo nổi nhân tạo ấy vừa có ý nghĩa chuẩn bị cho cuộc "xâm lược nóng" vừa là cơ sở để họ tấn công bằng cuộc "xâm lược mềm" (kinh tế, nghiên cứu khoa học và khai thác tài nguyên…).

Résultat de recherche d'images pour "4 mưu đồ của Trung Quốc khi biến đảo chìm thành đảo nổi (Hồng Chuyên)"
Bãi đá Gạc Ma tại thời điểm Trung Quốc xây dựng trái phép
Việc Trung Quốc xây dựng phi pháp trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), là hành động sai trái. Cần phải hiểu rõ ý đồ và mưu mẹo của họ là gì.
Trước những phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế xoay quanh việc Trung Quốc xây dựng quy mô lớn các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà họ dùng vũ lực chiếm đóng từ cuối thập kỷ 80, Trung Quốc vẫn cho rằng điều họ làm là "bình thường, chính đáng". Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ khẳng định những điều này không hề bình thường, mà đó là những việc làm sai trái. 
Dưới đây là những phân tích của ông.

Việc Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đã có rất nhiều ý kiến nhận xét, bình luận, rất nhiều tiếng nói chính thức của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo tôi theo dõi, mọi người đều có chung một phản ứng lên án mạnh mẽ những việc làm sai trái đó. Vậy thì cụ thể những sai trái đó là gì và được thể hiện ở các khía cạnh nào ?
Tiếp tục xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam
Thứ nhất, việc làm đó tiếp nối quá trình vi phạm chủ quyền đối với lãnh thổ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã thực hiện từ lâu. Đó là sai trái thứ nhất, khi họ dùng vũ lực để xâm chiếm các đảo, thực thể nằm trong quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Từ đó đến bây giờ họ vẫn không ngừng tiếp tục tiến hành biến đảo chìm thành đảo nổi và xây dựng các căn cứ quân sự trên vùng lãnh thổ của nước khác mà họ đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm. Việc làm này là nhằm củng cố và mở rộng sự chiếm đóng trái phép của họ.
"Chúng ta cũng nên hiểu rộng nghĩa "tấn công" ở đây không phải chỉ có bằng "vũ khí nóng", như súng đạn, tàu chiến, máy bay… mà còn bằng cả "vũ khí lạnh" như các hoạt động vơ vét tài nguyên thiên nhiên, khống chế các tuyến hàng không, hàng hải, áp đặt các biện pháp dân sự…"- Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ
Ngụy tạo cơ sở cho "yêu sách đường lưỡi bò" phi pháp
Cái sai thứ 2, việc mà họ tìm mọi cách "biến đảo chìm thành đảo nổi", đổ đất xây dựng sân bay, đường băng, bến cảng… từ một vùng không phải là đảo, biến thành đảo. Đây là hành động nằm trong tính toán thực hiện âm mưu hiện thưc hóa yêu sách "đường lưỡi bò" bằng cách biến các bãi cạn, các đảo chìm… thành những đảo nổi để biện hộ cho việc cố tình giải thích và áp dụng sai các tiêu chí theo quy định của Luật biển quốc tế, với lập luận ngụy biện rằng các đảo nhân tạo này vẫn đảm bảo cho đời sống dân sinh, thích hợp cho đời sống con người và có đời sông kinh tế riêng ; vì thế, yêu sách " đường lưỡi bò" vô lý trở nên có cơ sở pháp lý, cần được tôn trọng như những yêu sách ranh giới biển của các quốc gia ven biển khác. Rõ ràng đây việc giải thích và áp dung sai các quy định của Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 có liên quan đên hiệu lực của các đảo, quần đảo, đá, bãi cạn trong việc xác định phạm vi các vung biển và thềm lục địa.
"Nhập nhèm đánh lận con đen"
Cái sai thứ 3 của Trung Quốc, việc họ làm ở đây là cố tình thay đổi hiện trạng, nhưng lại che giấu bản chất của vấn đề. Họ tuyên bố rằng, việc họ làm là bình thường, có trách nhiệm, nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ, giữ gìn "chủ quyền". Nhưng điều đáng lên án là "chủ quyền" của họ được tạo lập bằng sự chiếm đóng bằng vũ lực, bằng những cuộc xâm lược phi pháp và việc ra sức xây dựng các công trình quân sự trên các vị trí chiếm đóng trái phép này là không thể chấp nhận được, càng không thể so sánh, đánh đồng với các hoạt động bình thường của những chủ nhân Việt Nam đã từng sinh sống từ bao đời nay trong phạm vi quần đảo này. Rõ ràng là những gì mà Trung Quốc đã làm trong phạm vi lãnh thổ mà họ dùng vũ lực để chiếm đoạt mới thật sự đã làm thay đổi hiện trạng, trái với những cam kết của họ trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
Điều 5 : Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hướng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng :
Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và các hiểu biết nhằm tìm ra các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, bao gồm :
a. Khi thích hợp, tiến hành đối thoai và trao đổi ý kiến giữa quan chức quân sự và quốc phòng các bên có liên quan ;
b. Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với tất cả mọi người gặp nguy hiểm hay lâm nạn ;
c. Tự nguyện thông báo cho các bên liên quan khác về tập trận quân sự chung/ hỗn hợp sắp diễn ra ;
d. Tự nguyện trao đổi thông tin thích hợp.
(Trích Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông- DOC. Nguồn Canhsatbien.vn)
Xây dựng công trình có ý nghĩa "tấn công"
Sai thứ 4, tất cả công trình họ làm đều rất quy mô, đầu tư rất lớn, theo một kế hoạch thực hiện bài bản, lớp lang... Rõ ràng đây không phải là công trình hòa bình hay phòng thủ, bảo vệ như họ nói, mà đây chính là những căn cứ quân sự mang ý nghĩa tấn công mở rộng khu vực chiếm đoạt của họ.
Liên kết với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà họ đã đánh chiếm bằng vũ lực từ tay chính quyền Việt Nam cộng hòa năm 1974 với những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà họ dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988, thì đây là chuỗi căn cứ quân sự nguy hiểm, đe dọa tấn công các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 
Tại đó, họ bố trí đường băng, cảng biển, hậu cần, đồn bốt cho lính, chúng ta đã nhìn thấy bằng hình ảnh vệ tinh cũng như những gì họ công bố. Đây là những căn cứ mang tính chất tấn công. Đây là vị trí quân sự phục vụ mục tiêu kiểm soát toàn bộ Biển Đông, trong đường yêu sách lưỡi bò. Họ có thể dùng những vị trí này để khống chế khu vực, mở rộng sự chiếm đóng với các đảo hiện do các quốc gia khác nắm giữ, trong đó có Việt Nam. Vị trí họ đang xây dựng lại án ngữ con đường huyết mạch hàng hải của quốc tế, cũng như con đường qua lại từ đất liền đến các đảo của Việt Nam. Ngoài ra, với sân bay được xây dựng họ cũng sẽ có động thái với đường hàng không như đã từng làm với biến Hoa Đông.
Chúng ta cũng phải hiểu rộng nghĩa "tấn công" ở đây không phải chỉ có bằng vũ khí, bằng tàu thuyền, bằng căn cứ quân sự mà còn bao gồm cả sự "tấn công" về mặt kinh tế, về khai thác tài nguyên biển và mở rộng vùng ảnh hưởng. Khi có điều kiện thời cơ nhưng "đảo nổi nhân tạo" do họ tạo ra một cách phi pháp họ sẽ biến vị trí thành những tàu sân bay không thể đánh chìm để tấn công các đảo dó các nước khác nắm giữ. Nhưng chúng ta cũng phải tính đến, nơi đây, họ sẽ biến thành điểm hậu cần, cảng biển, để tiến hành khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là dầu khí. Nơi đây sẽ tiếp tế dầu, dịch vụ hậu cần nghề cá, mà không cần hàng trăm con tàu từ đất liền hay đảo Hải Nam xuống.
Do đó, có thể nói những điểm đảo nổi nhân tạo ấy vừa có ý nghĩa chuẩn bị cho cuộc "xâm lược nóng" vừa là cơ sở để họ tấn công bằng cuộc "xâm lược mềm" (kinh tế, nghiên cứu khoa học và khai thác tài nguyên…).
Từ những phân tích nói trên cho thấy tính chất nguy hiểm của tình hình Biển Đông trong bối cảnh hiện nay để chủ động có các phương án ứng phó hiệu quả nhất.
Hồng Chuyên (ghi theo lời Tiến sĩ Trần Công Trục)
Theo Infonet, 04/03/2015
Bài đọc thêm :
Biển Đông 2015 : Đảo nhân tạo sẽ làm ‘dậy sóng’ ? (Tuanvietnam, 04/03/2015)
Trái hẳn với những tuyên bố hòa dịu mà giới lãnh đạo Trung Quốc không ngừng đưa ra, đặc biệt là từ cuối năm 2014 đến nay, những gì đang diễn ra trên biển Đông lại là một bức tranh đối lập.
Hình ảnh những đá, bãi ngầm đang được nước này xây dựng và mở rộng tại biển Đông trong 2015 cho thấy diện tích các nơi này đã tăng gấp nhiều lần. Quy mô và tốc độ của việc bồi đắp các bãi ngầm hay rạn san hô mà Trung Quốc đang kiểm soát phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam làm cả khu vực đặc biệt quan ngại.
Tăng tốc xây dựng phi pháp đảo nhân tạo
Ngày 02/5/2014, căng thẳng tại biển Đông leo thang nghiêm trọng khi Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Gần 2 tuần sau đó, ngày 13/5/2014, Philippines công bố những bức ảnh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất đá tại Gạc Ma để xây dựng một đường băng. Cùng ngày, một báo cáo mật từ văn phòng Tổng thống nước này cho biết thêm, Trung Quốc cũng đang cải tạo đất ở hai bãi Tư Nghĩa và Én Đất.
Tiếp sau đó, ngày 04/6/2014, tờ Phil Star của Philippines trích lời của Tổng thống Benigno Aquino III rằng ông đã nhận được báo cáo về sự chuyển dịch của các tàu vận tải Trung Quốc tại hai bãi đá ngầm Gaven và Châu Viên.
Hơn 5 tháng sau, những bức ảnh vệ tinh được Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s công bố ngày 14/11/2014 cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành cải tạo và xây dựng một đường băng tại bãi Chữ Thập. Những hình ảnh này được chụp bởi vệ tinh của Cơ quan Quốc phòng và Không gian Airbus. So sánh với bức ảnh chụp vào ngày 08/8, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Trung Quốc đã mở rộng đáng kể diện tích bãi Chữ Thập.
Résultat de recherche d'images pour "Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma thuộc"
Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh : Lực lượng vũ trang Philippines/BBC
Theo IHS Jane’s, hòn đảo nhân tạo mới sẽ có chiều dài khoảng 3.000 mét, chiều rộng từ 200 đến 300 mét. Theo ảnh chụp từ vệ tinh của Digital Globe, góc đông bắc bãi Chữ Thập là nơi cải tạo đầu tiên của Trung Quốc. Theo mạng quân sự Sohu của Trung Quốc, chưa đầy 1 tháng, khu vực cải tạo đã tăng diện tích gấp 3 lần, lên 0,96 km2. Sau khi hoàn thành cải tạo góc đông bắc, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo các góc khác.
Tháng 10/2014, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cũng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho hay bãi Chữ thập đã được cải tạo mở rộng tới khoảng 1 km2, trở thành đá lớn nhất Trường Sa và việc cải tạo vẫn còn tiếp diễn. Thêm vào đó, giáo sư Jin Canrong tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã tiết lộ với SCMP rằng, một kế hoạch xây đảo nhân tạo tại bãi Chữ Thập đã được đệ trình lên chính phủ Trung Quốc. Hòn đảo nhân tạo này sẽ có diện tích gấp đôi căn cứ quân sự Diego Garcia rộng 44 km2 của Mỹ tại Ấn Độ Dương. 
IHS Jane’s tiếp tục công bố những hình ảnh về quá trình cải tạo của Trung Quốc ở đá Gaven. Dựa trên những bức ảnh vệ tinh được chụp bởi Cơ quan Quốc phòng và Không gian Airbus vào ngày 31/3 và 07/8/2014, việc cải tạo tại đá Gaven được tiến hành tương tự như các bãi đá khác. Mặc dù vậy, theo IHS Janes’s, không có cầu cảng nào được xây dựng tại Gaven. Những công trình khác như doanh trại cho binh sĩ vẫn được xây. Theo tính toán, đảo nhân tạo tại Gaven sẽ có kích thước 200m x 300m. Cũng theo nguồn tài liệu trên, đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cải tạo được một diện tích tổng cộng khoảng 114 nghìn m2.
Ám chỉ Mỹ "ngừng gây rối"
Sau khi IHS Jane’s công bố các hình ảnh tại Chữ Thập, người phát ngôn quân đội Mỹ, ông Jeffrey Pool phát biểu : "Chúng tôi (Mỹ) kêu gọi Trung Quốc ngừng chương trình cải tạo đảo và có sáng kiến ngoại giao nhằm khuyến khích các bên cùng kiềm chế không thực hiện các hoạt động tương tự". Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc ngày 10/2/2015, đã thúc giục Bắc Kinh sớm dừng việc cải tạo các bãi đá tại Trường Sa. "Điều này sẽ gây ra những bất ổn và trái với những gì mà Trung Quốc đã cam kết với ASEAN", ông Russel nói. 
Đáp lại, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo thuộc chủ quản của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố "Việc xây dựng của Trung Quốc trên đảo Vĩnh Thử (cách gọi của Trung Quốc, tức đảo Chữ Thập) sẽ không bị ảnh hưởng vì lời lẽ của Mỹ. Vĩnh Thử sẽ trở thành đảo lớn, cho thấy khả năng xây dựng to lớn của Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân, tuyên bố : "Việc duy trì và xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng trên các rặng san hô và đảo ở biển Hoa Nam (biển Đông) là hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Các quốc gia khác không có quyền xen vào những hoạt động xây dựng như vậy".
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 19/2/2015 cho rằng "những nước thứ 3 nên nói ít lại và ngừng việc gây rối đi", ám chỉ đến Mỹ và những bình luận của ông Russel trong chuyến thăm đến Manila. 
Nguyễn Thế Phương
Bài đọc thêm :
Tướng Nguyễn Quốc Thước : Đảo nhân tạo của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn 981 nhiều (Infonet, 03/03/2015)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh quân khu 4 trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet trước việc Trung Quốc mở rộng ở Biển Đông, cấp tập biến những bãi đá thành pháo đài quân sự.
Việc Trung Quốc tăng tốc biến các bãi đá thành pháo đài quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam được đánh giá là một "mưu đồ hung hăng áp đặt chủ quyền trong khu vực". Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về hành động này từ phía Trung Quốc ?
Lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần trao đổi với nhà lãnh đạo Việt Nam, thống nhất hai bên không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông. Chúng ta hoàn toàn hoan nghênh quan điểm đó. Tuy nhiên trên thực tế vừa qua, Trung Quốc lại có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông bằng việc xây dựng nhiều công trình rất lớn ở các bãi đá, đảo Gạc Ma, Chữ Thập...
"Nếu những sân bay, căn cứ quân sự đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng ở Việt Nam và các nước trong khu vực, vì khu vực này nằm rất gần với các đảo của ta ở khu vực Trường Sa. Đó không phải là một ý đồ dân sự, hay kinh tế mà thực chất là ý đồ quân sự của Trung Quốc, uy hiếp trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến khu vực Trường Sa" - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Nếu theo những gì Trung Quốc nói thì phải để nguyên trạng tất cả những bãi đá. Vì theo DOC thì không được cải tạo các đảo nhân tạo. Tuy nhiên đến bây giờ họ lại làm ngang ngược như vậy. Nghĩa là họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo.
Không phải chỉ Việt Nam, Philippines, hay ASEAN mà tất cả những nước liên quan đến vấn đề giao lưu trên Biển Đông đều phản đối cả. Lời nói không đi với hành động như vậy từ phía Trung Quốc có làm chúng ta và thế giới tin tưởng họ ở những việc khác hay không ?
Không ai có thể chấp nhận một hành động ngang ngược như vậy từ phía Trung Quốc ! Để giữ được ổn định Biển Đông, trước hết Trung Quốc phải làm đúng như họ nói. 
Có ý kiến cho rằng, nếu các cơ sở hạ tầng như sân bay, căn cứ hậu cần của Trung Quốc đi vào hoạt động trong năm sẽ khiến Bắc Kinh thiết lập chỗ đứng vững vàng tại vùng biển khu vực Đông Nam Á ? Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vùng biển cũng như vấn đề an ninh của Việt Nam và các nước trong khu vực, thưa ông ?
Việc họ đổ tiền ra làm các căn cứ quân sự, có đường băng, hải cảng nhằm phục vụ mục đích quân sự. Ý đồ của Trung Quốc là muốn độc chiếm Biển Đông. Ngoài căn cự hậu cần họ còn ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự để phục vụ mưu đồ này. Không ai có thể chấp nhận một hành động ngang ngược như vậy.
Nếu những sân bay, căn cứ hậu cần đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng ở Việt Nam và các nước trong khu vực, vì khu vực này nằm rất gần với các đảo của ta ở Trường Sa. Đó không phải là một ý đồ dân sự, hay kinh tế mà thực chất là ý đồ quân sự của Trung Quốc, uy hiếp trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến khu vực Trường Sa. Bởi những vị trí Trung Quốc đang xây dựng nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Résultat de recherche d'images pour "Trung tướng Nguyễn Quốc Thước : Không ai chấp nhận hành động ngang"
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước : Không ai chấp nhận hành động ngang ngược như vậy của Trung Quốc
Theo ông, ngoài Việt Nam, quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng tiếp theo từ những việc làm trên từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc ?
Ảnh hưởng trực tiếp là Việt Nam, kế đến là Philippines. Đồng thời khu vực này nằm gần như ở rốn của khu vực Trường Sa, có thể chia cắt đảo Trường Sa, nên ngoài uy hiếp Việt Nam và Philippines, tiếp nữa có thể kể đến Malaysia. Nếu kéo dài nữa còn có thể là Brunei, Indonesia…
Tôi phải nhắc lại rằng, hành động ngang ngược trên của Trung Quốc chính là nhằm hiện thực hóa "đường lưỡi bò", phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Chúng ta cần phải làm gì trước hành động ngang nhiên này từ phía Trung Quốc, thưa ông ?
Tôi được biết phía Bộ Ngoại giao đã 2 lần lên án việc làm này từ phía Trung Quốc. Tại những hội nghị quốc tế, các nhà ngoại giao, lãnh đạo của chúng ta cũng đã đề nghị phải giữ nguyên trạng các địa điểm ở Hoàng Sa, Trường Sa, không được làm phức tạp tình hình.
Chính phủ đã nói việc đưa ra tòa án quốc tế là một phương án, còn thời điểm nào chúng ta sẽ cân nhắc. Song tinh thần của chúng ta là phải đấu tranh bằng mọi biện pháp, kể cả về ngoại giao, pháp lý, kể cả đấu tranh trên thực địa…
Ông nhìn nhận đánh giá như thế nào về mức độ và tính chất nghiêm trọng giữa việc xây dựng các bãi đá thành căn cứ quân sự, với vụ giàn khoan Hải Dương 981 trước đây ?
Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ra Biển Đông là hiện tượng cụ thể, còn việc xây dựng trên là hành động trắng trợn hơn nhiều. Giàn khoan Hải Dương 981 chỉ là một điểm ở khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, còn việc xây dựng ở đây thuộc quần đảo Trường Sa - nằm trong trung tâm quẩn đảo Trường Sa của chúng ta.
Tôi cho rằng, hành động trên của Trung Quốc còn có tính chất nguy hiểm hơn, căng thẳng hơn, quyết liệt hơn so với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 trước đây.
Xin cảm ơn ông !
Nguyễn Dũng (thực hiện)
Theo Infonet, 03/03/2015

No comments:

Post a Comment