SỰ THẬT
Có một giáo sĩ nọ Nhìn tấm biển cửa hàng: “Ở đây bán sự thật”, Hơi ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Giáo sĩ bước vào quán. Ông chủ cúi đầu chào: “Ngài muốn mua sự thật? Có nhiều loại, loại nào?
Loại sự thật một nửa, Hay sự thật toàn phần? Sự thật làm nhức nhối Hay chỉ khiến băn khoăn?”
“Tôi là người dũng cảm, Và cái tôi quan tâm Là sự thật trần trụi, Sự thật trăm phần trăm!”
“Thế thì giá đắt đấy. - Chủ quán đáp, nhìn ông. - Hơn nữa, còn nguy hiểm. Ngài có dám mua không?
Khi biết sự thật ấy, Ngài sẽ thấy bất yên, Nghi ngờ suy nghĩ cũ, Rồi rơi vào buồn phiền…”
Giáo sĩ nghe, tư lự, Thấy nặng trĩu trong lòng. Ông bước ra khỏi quán, Như lúc vào, tay không.
Ông chưa đủ dũng cảm Biết loại sự thật này. Biết nó là phủ nhận Mọi niềm tin xưa nay.
Dẫu sao ông đã sống Hơn già nửa cuộc đời. Kịp để điều vớ vẩn Thấm rất sâu vào người.
* Câu chuyện này tôi đọc Trong “Cơn bão cốc trà”. Đọc, và ngồi suy ngẫm Về mỗi một chúng ta.
Không phải ta không biết Rằng niềm tin của mình Từ đầu đã sai trái, Cả lý và cả tình.
Ta hèn nhát, né tránh Đối mặt với điều này. Tự phủ nhận mình khó, Quả rất khó xưa nay.
Thế là ta dung dưỡng, Cố tình hoặc vô tình, Những cái sai, dối trá Để mình tự lừa mình.
Để được sống yên ổn Phần còn lại cuộc đời. Dẫu đôi khi dằn vặt Thầm xấu hổ với người.
KINH TẾ QUỐC DOANH Tôi nghe nhà nước nói Rằng kinh tế quốc doanh Giữ vai trò chủ đạo, Quyết định bại hay thành.
Vậy thì sao có chuyện Cái thằng quốc doanh này Nợ nghìn nghìn, tỉ tỉ, Luôn thua lỗ xưa nay.
Thằng ấy ăn như hổ, Mà làm thì như mèo. Tham nhũng thì kỷ lục, Làm đất nước thêm nghèo.
Nhà nước như bố mẹ, Sao cho thằng con mình, Loại phá gia chi tử, Phung phí tiền gia đình?
Vậy thì xin nhà nước Xem xét lại thằng này. Chứ dân nhìn hắn phá, Tiếc và buồn lắm thay.
Là bố mẹ nghiêm khắc, Xin cứ đánh nếu cần. Con ngu dốt, lếu láo, Dứt khoát không cho ăn!
|
ĐÁNG LO Có cái gì không ổn Trong việc giờ, ở đâu Cũng san sát quán nhậu, Cao lâu rồi thấp lâu.
Rồi quán bia, quán lẩu, Rồi ka-ra-ô-kê, Rồi trăm thứ ăn uống Chiếm hết cả vỉa hè.
Đâu cũng thế, nhiều lắm, Nhiều đến mức giật mình. Mà sao ăn ngoài phổ, Không phải ở gia đình?
Nếu đó là “văn hóa”, Thì kiểu “văn hóa” này Rất đáng để lo sợ, Vì lý do sau đây:
Một, lai rai ăn nhậu Tốn thời gian, tốn tiền. Một cảnh không đẹp lắm, Nhất là với thanh niên.
Hai, uống say, về muộn Thành lục đục gia đình. Con cái tuy không nói, Nhưng trong lòng chúng khinh.
Ba, tửu nhập ngôn xuất, Chuyện dại rồi chuyện khôn. Không khéo rồi sinh sự, Phải kéo nhau vào đồn.
Bốn, và quan trọng nhất - Trẻ, rất cần thời gian Để đọc sách, làm việc, Không hưởng lạc, an nhàn.
Tóm lại là tôi thấy Cái nước mình thật buồn. Cái gì cũng yếu kém, Ăn chơi thì sợ luôn.
Uống bia nhất châu Á, Cứ nhậu nhẹt suốt ngày. Nếu đólà “văn hóa”, Thì thật đáng lo thay.
SỰ THỜ Ơ!…
Ở đời luôn vẫn vậy. Cái tốt đẹp có nhiều. Cái xấu xa không ít. Nhưng phải nói một điều, Rằng còn có cái khác, Có hàng ngày, hàng giờ, Ác hơn cả cái ác, Đó là sự thờ ơ.
- Thái Bá Tân
|
|
No comments:
Post a Comment